Công bố kế hoạch kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Bình Định

(PLVN) - Ngày 12/10, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra số 2 chủ trì Hội nghị Công bố kế hoạch kiểm tra, Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: PV)
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: PV)

Tham dự Đoàn kiểm tra có Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Đoàn kiểm tra số 2; đại diện các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.

Làm việc với Đoàn kiểm tra có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng; các lãnh đạo tỉnh, Ban Thường vụ; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Thay mặt Đoàn kiểm tra số 2, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải công bố Quyết định về kế hoạch kiểm tra, Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Đoàn kiểm tra nhấn mạnh, việc kiểm tra được thực hiện theo Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW ngày 7/8/2023 của Ban Chỉ đạo, thể chế hóa chủ trương của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước. Qua kiểm tra, cần đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật và việc hướng dẫn, đôn đốc thực hiện; kết quả khắc phục những sơ hở, bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, kiến nghị xử lý các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và vi phạm trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC. Việc kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Ban Chỉ đạo.

Nội dung kiểm tra gồm: Công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật và việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, khắc phục sơ hở, bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu; đấu giá tài sản; giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Việc rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật để PCTNTC theo kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo, của thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn tỉnh Bình Định.

Trưởng Đoàn kiểm tra yêu cầu các thành viên Đoàn kiểm tra số 2 phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm việc nghiêm túc, khách quan, chỉ rõ những ưu điểm cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 35 của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và các cơ quan, đơn vị được kiểm tra nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra để Đoàn đạt được yêu cầu, mục đích đề ra.

Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra đối với Đảng đoàn HĐND tỉnh; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; Sở Tài nguyên - Môi trường; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch - Đầu tư; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp; Cục Thi hành án dân sự; Công an tỉnh và nếu xét thấy cần thiết, Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với một số cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Đọc thêm