Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật được Quốc hội thông qua

Sáng 5/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được thông qua Ảnh: Văn phòng Chủ tịch nước.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được thông qua Ảnh: Văn phòng Chủ tịch nước.

Các Luật được công bố gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh Bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Luật Cảnh sát cơ động

Luât Cảnh sát cơ động năm 2022 gồm 5 chương và 33 điều, thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.

Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khắc phục những khó khan, bất cập, hạn chế của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm thể hiện tính đặc thù của Cảnh sát cơ động, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Luật khi được ban hành.

Luật Thi đua, khen thưởng

Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Luật gồm 8 chương, 96 Điều, các quy định trong Luật đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 4 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

3. Luật Điện ảnh

Luật điện ảnh 2022, được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3, ngày 15/6, gồm 8 chương, 50 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.

Luật điện ảnh 2022 thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 nhằm đáp ứng những yêu cầu về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành; Bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; Đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.

Luật Kinh doanh bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 7 Chương, 157 Điều, trong đó có sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam về thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; về tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm; Các sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua; Các sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước

Luật Sở hữu trí tuệ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 11 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), trong đó có 14 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 06 điều. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá; Luật Hải quan; Luật Khóa học và Công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đọc thêm