Công bố quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030

(PLO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Lễ công bố Quy hoạch
Lễ công bố Quy hoạch
Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc bộ bao chứa vùng Thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của cả nước; là một trong bốn vùng trọng điểm phát triển kinh tế của quốc gia; có hai hành lang và một vành đai kinh tế trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Do vậy, vùng có một vị trí tối quan trọng trong phát triển kinh tế và thế trận quốc phòng – an ninh của Tổ quốc.  
Những hạn chế từ lịch sử
GDP theo giá hiện hành của toàn vùng KTTĐ Bắc bộ năm 2010 đạt hơn 24,1 tỷ USD, đóng góp 20,8% GDP của cả nước và tăng gấp 4,5 lần so với năm 2005 (hơn 5,3 tỷ USD). Trong 4 vùng KTTĐ của cả nước, GDP của vùng KTTĐ Bắc bộ đứng thứ hai về quy mô sau vùng KTTĐ phía Nam (gần 40 tỷ USD). 
Tuy vậy, những con số nói trên vẫn chưa đủ để “đánh thức tiềm năng”. Nói riêng như việc thu hút đầu tư, những năm qua, vùng KTTĐ Bắc bộ đã thu hút được 14,3 tỷ USD với  3.399 dự án còn hiệu lực. Mặc dù đứng vị trí thứ hai trong các vùng KTTĐ nhưng tổng số vốn và dự án của vùng chỉ bằng 0,42 lần so với vùng KTTĐ phía Nam (33,9 tỷ USD và 7.957 dự án còn hiệu lực). 
Mặt khác, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2010 của vùng cũng chỉ đạt 24.111 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với vùng KTTĐ phía Nam và vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long (lần lượt là 35.926 và 35.252 tỷ đồng).
Đối với ngành công nghiệp phụ trợ, tính đến hết năm 2011, vùng KTTĐ Bắc bộ chỉ có khoảng 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ và vừa. Trong đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện cơ khí chiếm 63%, sản xuất linh kiện nhựa và cao su chiếm 25%, linh kiện điện tử và điện lạnh là 11,9%. Năng lực cung ứng còn rất hạn chế, làm cho khả năng nội địa hóa của một số ngành như công nghiệp ô tô, đóng tàu, điện tử… còn thấp. 
Có nhiều nguyên nhân “níu chân” sự phát triển. Một trong số đó được chỉ ra là do tư duy bao cấp – kế hoạch hóa vẫn còn ảnh hưởng nặng ở vùng này, dẫn đến năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương còn nhiều bất cập.
Bao giờ  “cất cánh”?
Đây là câu hỏi không chỉ của người dân Bắc bộ mà của nhân dân cả nước nói chung khi hướng về cái nôi của dân tộc.  Từ truyền thống văn minh lúa nước sông Hồng, bản Quy hoạch tổng thể vừa được Bộ KH&ĐT công bố nhấn mạnh sẽ phát triển kinh tế nông nghiệp theo các hình thức khuyến khích hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp – nông thôn và sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân với nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp (sản xuất, thương mại, phân phối sản phẩm) và người tiêu dùng. 
Theo đó, đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ổn định 3,0-3,2% bình quân năm trong giai đoạn 2011-2015; 2,8-3,0% giai đoạn 2016-2020 và khoảng 2,5% giai đoạn  2021-2030. Bảo đảm diện tích đất trồng lúa nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chung của cả nước; đến năm 2020 đất nông nghiệp trên 920 nghìn héc-ta, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (2 vụ trở lên) là gần 300 nghìn héc-ta.
Một số ngành công nghiệp nền tảng quan trọng được xác định gồm: điện lực; sản xuất các loại máy động lực, thiết bị điện; công nghiệp chế biến cỡ vừa và nhỏ; các thiết bị nâng hạ, vận chuyển; công nghiệp logistics; điện tử và công nghệ thông tin, đặc biệt là phần mềm tin học đã có vị thế trên thế giới; ngành hóa - dược và một số loại hóa chất cơ bản…  
Dự kiến, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp – xây dựng vùng KTTĐ Bắc bộ sẽ cao nhất cả nước trong giai đoạn 2011-2020, đạt xấp xỉ khoảng 9,1% (gấp 1,1 lần so với tốc độ tăng bình quân chung; trong đó, giai đoạn 2011-2015 là 8,2% và giai đoạn 2016-2020 là 10,0%) trước khi giảm dần vào giai đoạn 2021-2030 ở khoảng 9,0%.
Đối với ngành du lịch, quy hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2020, thu hút được 3,5-3,8 triệu khách du lịch quốc tế, doanh thu du lịch đạt 3,0-3,5 tỷ USD và đến năm 2030, thu hút được 5,5-6,0 triệu khách du lịch quốc tế, doanh thu du lịch đạt 6-7 tỷ USD.
Về thu hút vốn đầu tư, trong  giai đoạn 2014-2015 dự kiến con số sẽ đạt khoảng 21 tỷ USD (giá USD năm 2010) hay tương ứng với khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng (giá năm 2010). Tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 ước tính sẽ vào khoảng 1.430 nghìn tỷ đồng, nhằm dứt điểm các hạng mục hiện đại, tạo cơ sở phát triển trong thời kỳ tới.
“Vùng KTTĐ Bắc bộ, với Thủ đô Hà Nội đã luôn là một đầu tàu trong phát triển kinh tế, là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học của cả nước. Nó sẽ luôn là như vậy nhưng chúng ta cần phải nhìn rộng ra trong một bối cảnh quốc tế rộng lớn để mong muốn, để ước vọng rằng đây không chỉ là trung tâm riêng của Việt Nam mà rộng hơn là cho khu vực Đông Nam Á, xa hơn là châu Á – Thái Bình Dương, là điểm đến tin cậy của thế giới. Đó là một khát vọng không chỉ của thế hệ hiện nay mà là của cả một bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến của một dân tộc. Để đi tới điểm mốc quan trọng đó, cần phải thực hiện ngay từ bây giờ, tạo dựng một nền móng vững chắc để có thể vươn xa hơn, để thế hệ sau có thể nối tiếp, tiến bước vững chắc hơn” - ông Đặng Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT bày tỏ trong Lễ công bố quy hoạch.

Đọc thêm