Công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023: Khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam

(PLVN) -Việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tiếp tục cổ vũ, tôn vinh, ghi nhận đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có đóng góp hiệu quả trong hoạt động khoa học, công nghệ; đặc biệt là khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, qua đó nâng cao chất lượng sống của Nhân dân...
Lễ Công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Sáng 6/12, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.

Kết nối, đưa các sản phẩm sáng tạo khoa học vào thực tiễn

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, thời gian qua, hưởng ứng Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động, các hoạt động nghiên cứu, sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ được đông đảo các cá nhân, tổ chức tham gia hưởng ứng tích cực.

Kể từ năm 2016 đến nay, kế thừa, phát huy kết quả từ 6 lần công bố trước, năm nay Sách vàng Sáng tạo Việt Nam công bố, giới thiệu 79 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ được tuyển chọn từ 162 công trình do các bộ, ban, ngành, các tổ chức thành viên, các tỉnh, thành phố giới thiệu, đề nghị. Đây là những công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ tiêu biểu trong cả nước, có giá trị hỗ trợ cộng đồng, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phục vụ đời sống xã hội.

Các đại biểu tại Lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tiếp tục cổ vũ, tôn vinh, ghi nhận đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có đóng góp hiệu quả trong hoạt động khoa học, công nghệ; đồng thời cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học, kết nối và đưa các sản phẩm sáng tạo khoa học vào thực tiễn cuộc sống; đặc biệt là khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, qua đó nâng cao chất lượng sống của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trong những năm gần đây, kết quả nghiên cứu khoa học, tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam từng bước được nâng lên; số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế, các sáng chế của người Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng đã được gia tăng hằng năm; tốc độ đổi mới công nghệ, năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp được tăng cường; khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu và một số lĩnh vực khoa học có thế mạnh.

Cùng với đó, các phong trào, hoạt động, các cuộc thi về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp hết sức đa dạng, thường xuyên do các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương tổ chức trong nhiều năm qua đã vinh danh nhiều công trình. Đặc biệt, các công trình được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã góp phần quan trọng để khơi dậy ý chí, tinh thần sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc.

Tạo môi trường thuận lợi hơn để các nhà khoa học cống hiến tài năng

Phát biểu tại Lễ công bố, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam và các địa phương tổ chức xét chọn và trao nhiều giải thưởng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Qua đó, đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân quan tâm hưởng ứng. Hàng nghìn công trình khoa học được trao giải đã và đang được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực, nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

“Tác giả của các công trình được vinh danh hôm nay là những tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhiều người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, là chủ doanh nghiệp và có cả những sinh viên, học sinh tham gia. Nhiệt huyết và công sức của các nhà khoa học, các tác giả thật đáng trân trọng”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 đúng vào dịp Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII vừa ban hành Nghị quyết “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ tri thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này chắc chắn sẽ tạo ra xung lực, cơ chế, chính sách mới, môi trường thuận lợi hơn để các nhà khoa học cống hiến tài năng, trí tuệ phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Ông Đỗ Văn Chiến kỳ vọng, bản lĩnh, trí tuệ, năng lực sáng tạo của người Việt Nam sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới và sẽ có nhiều công trình, giải pháp sáng tạo được tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam trong những năm tiếp theo. Qua đó khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa sự “dấn thân” của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, giải quyết những vấn đề khó, vấn đề mới được đặt ra trong thực tiễn; đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và hội nhập quốc tế”; đồng lòng, chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Một số công trình tiêu biểu vinh danh trong Sáng vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 như: Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt hoàn thiện 5 mô hình xử lý, cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (nước uống học đường) tại 5 nhà trường thuộc địa bàn khan hiếm nước sạch của tỉnh Hà Giang của tác giả Cao Hồng Kỳ; Hệ thống quản lý người bệnh, người nuôi bệnh bằng Face ID tăng hiệu quả phòng chống Covid - 19 của tác giả Đoàn Thanh Vũ và cộng sự Trần Trung Nguyên; Ứng dụng phát triển mô hình “Ngân hàng sữa mẹ” lan tỏa giúp nâng cao chất lượng, thể chất toàn diện cho thế hệ người Quảng Ninh từ khi sinh ra của ThS. Lê Thị Thùy Trang, Bùi Minh Cường, Nguyễn Thị Thu Hà và các cộng sự; Ứng dụng phương pháp nút mạch kết hợp phá hủy khối u bằng MWA (đốt nhiệt vi sóng) trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan tại bệnh viện Bãi Cháy của tác giả Lê Tiến Hưng, Đoàn Thị Huệ và các cộng sự; Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng của TS. Trương Ngọc Tuấn, Nguyễn Viết Thanh và các cộng sự …

Đọc thêm