Không để xảy ra sai sót, lãng phí
Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án CĐS trong BQP nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ, hiện đại; đưa các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành lên môi trường số trên cơ sở tái cấu trúc, tối ưu hóa các quy trình và sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, góp phần xây dựng Quân đội hiện đại.
Theo đó, mục tiêu của Đề án đến năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản xây dựng, phát triển hạ tầng kết nối mạng, Trung tâm dữ liệu tập trung cấp Bộ, Cổng kết nối chia sẻ dữ liệu, cơ sở dữ liệu gốc; các nền tảng số dùng chung, sản xuất trang bị công nghệ thông tin, song song với hoàn thành triển khai thí điểm một số mô hình CĐS ngành, lĩnh vực để đánh giá, nhân rộng, từng bước thực hiện CĐS công tác chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành trong BQP. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và vận hành hiệu quả, an toàn hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, các nền tảng số dùng chung; đưa các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý lên môi trường số; một số hoạt động chỉ huy huấn luyện, tác chiến lên môi trường số.
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm, Đề án xác định tập trung vào chuyển đổi, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị về CĐS. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức phục vụ CĐS, đi đôi với phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; phát triển dữ liệu số, ứng dụng số; phát triển nền tảng số, dịch vụ số dùng chung... Cùng với đó, chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CĐS.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS BQP cho biết, CĐS là lĩnh vực mới và khó, vì vậy quá trình triển khai thực hiện cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, bảo đảm khoa học, bài bản, đúng pháp luật, có tính khả thi cao, đặc biệt phải tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót, lãng phí.
Quyết liệt trong chuyển đổi số
Thời gian qua, BQP đã thực hiện 6 nội dung CCHC gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được các cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và CĐS, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hoạt động thực tiễn để CĐS như: Tổ chức hội thảo chuyên đề về dữ liệu số; triển khai kế hoạch làm điểm về chuyển, nhận văn bản điện tử. Đã mở rộng, tăng cường kết nối mạng máy tính quân sự cho các đầu mối cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, cơ quan BQP. Triển khai đường truyền quân sự đến các đơn vị cấp 2 đạt 66,8% và đến các đơn vị cấp 3 đạt gần 38% (chỉ tiêu năm 2023 là 37%). Hoàn thành chỉ tiêu đặt ra vào năm 2023 về triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
Hoàn thành triển khai kế hoạch thử nghiệm một số hệ thống hoạt động trên hạ tầng truyền dẫn không dây; kế hoạch thử nghiệm hệ điều hành và trình duyệt được dùng riêng trong BQP. Duy trì cung cấp dịch vụ chứng thực số trên mạng máy tính quân sự hoạt động ổn định 24/7 phục vụ ký số và xác thực chữ ký số; bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đáp ứng nhu cầu về chứng thực số cho các tổ chức và cá nhân trong BQP. Cùng với đó, triển khai cài đặt phần mềm diệt mã độc cho hơn 92% máy tính trong toàn quân; kiểm tra, đánh giá cổng kết nối an toàn liên mạng trên 3 môi trường (mạng internet, mạng truyền số liệu quân sự, mạng chuyên dụng).
Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật cho biết, nhờ triển khai quyết liệt công tác CĐS, đến nay, toàn Tổng cục đã có gần 91% cơ quan, đơn vị kết nối mạng truyền số liệu quân sự, phấn đấu đến hết năm 2023, có 100% đơn vị kết nối mạng truyền số liệu quân sự. Cùng với đó, Tổng cục Kỹ thuật đã xây dựng một số phần mềm phục vụ chuyển đổi số, như: Phần mềm tổng hợp báo cáo của ngành kỹ thuật; công cụ số hóa tài liệu, quy trình nghiệp vụ và phần mềm quản lý kho tài liệu…