Theo Thường trực Ban Bí thư, phải kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm; phải tiếp tục chủ trương khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm. "Kiên trì thực hiện có vào có ra, có lên có xuống", đồng chí Võ Văn Thưởng chỉ đạo.
Nhấn mạnh yêu cầu triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ rõ trong đánh giá cán bộ cần đề cao sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, để góp phần thúc đẩy cán bộ rèn luyện.
Nói thêm về việc khuyến khích cán bộ từ chức, theo đồng chí Võ Văn Thưởng, cần triển khai một cách thực chất hơn, cần phải có sức ép trong nội bộ Đảng cũng như trong xã hội, buộc người vi phạm, hạn chế phải từ chức.
Những chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng được nêu ra trong thời điểm Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ. Đây cũng là thời điểm một loạt cán bộ và cựu cán bộ bị phát hiện có sai phạm trong quá khứ hoặc ở hiện tại và những người vi phạm đã phải gục đầu ân hận về những sai phạm của mình. Tại một phiên xử đang diễn ra, một bị cáo là cựu Bí thư Tỉnh ủy của một tỉnh ở phía Nam, sau khi nhận hối lộ, đã đau xót “xin lỗi Đảng bộ, nhân dân tỉnh và gia đình, bạn bè vì sai phạm đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Nhà nước. Bị cáo đã đem đến vết nhơ cho Đảng bộ tỉnh”. Đối tượng này bật khóc khi nói “bị cáo đã mắc sai lầm mang đến đau khổ, bất hạnh, tủi nhục cho gia đình. Với thân hữu, bị cáo từng được yêu quý, mến phục, được đặt niềm tin nhưng đã đánh mất tất cả. Mất tiền bạc là mất ít, mất niềm tin là mất nhiều, mất danh dự là mất tất cả”.
Chứng kiến những tình cảnh này, mới càng thấm thía ý nghĩa sâu xa những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ”, “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”.
Những phát biểu, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng một lần nữa cảnh tỉnh sâu sắc cho không chỉ các cán bộ, mà toàn xã hội. Phải hiểu thực tế trong xã hội ta, không có “quan chức”. Trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.
Như lời Bác Hồ căn dặn, cán bộ là đầy tớ, là công bộc của dân. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cả xã hội càng phải hiểu đúng, làm đúng quan điểm: Thứ nhất, làm cán bộ là gánh vác trọng trách phục vụ nhân dân, làm những việc có lợi cho nước, cho dân chứ không phải làm cán bộ để vơ vét tiền của, để hưởng vinh hoa phú quý, tự hoang tưởng cho rằng mình được hưởng đặc quyền đặc lợi, để vinh thân phì gia, để kéo bè kết cánh nâng đỡ nhau không trong sáng. Thứ hai, bản thân mọi người dân, phải bỏ quan điểm sai lầm là sợ hãi “quyền lực” cán bộ một cách vô cớ. Chỉ tôn trọng với cán bộ có đạo đức, làm đúng; và phải quyết liệt đấu tranh để cùng hệ thống chính trị kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu tu dưỡng, làm sai.