Công chứng không phải là một hoạt động kinh doanh thông thường
Công chứng tại Việt Nam là công chứng nội dung; việc công chứng phải bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; Công chứng Việt Nam có hai chức năng cơ bản là tạo lập và cung cấp chứng cứ: Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh. Văn bản công chứng có giá trị bắt buộc thi hành với các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp, một dịch vụ công cơ bản do Nhà nước ủy nhiệm cho CCV thực hiện. Hoạt động công chứng không phải là một hoạt động kinh doanh thông thường.
Việc quy định công chứng bắt buộc đối với một số loại hợp đồng, giao dịch (các giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản…) nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho những giao dịch dân sự, kinh tế quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Các giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất luôn có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, ổn định của kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, số lượng và quy mô của các giao dịch nói chung, giao dịch về bất động sản nói riêng ngày càng tăng, việc bãi bỏ quy định công chứng, chứng thực bắt buộc đối với một số giao dịch về đất đai, nhà ở sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về lừa đảo, tranh chấp, không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch; không đảm bảo an toàn pháp lý, hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Không tạo sự cứng nhắc trong thủ tục công chứng
Luật Công chứng năm 2024 gồm 08 chương 76 Điều, xác định đúng phạm vi công chứng và thẩm quyền của CCV; quy định về các giao dịch phải công chứng.
Để khắc phục những bất cập trong quy định của Luật Công chứng năm 2014 về phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên (CCV), tạo thuận lợi cho việc ký kết các giao dịch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, Luật Công chứng năm 2024 đã khẳng định rõ công chứng là dịch vụ công, Nhà nước ủy nhiệm cho công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Quy định công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản.
Luật Công chứng 2024 bổ sung quy định nhằm xác định rõ việc hành nghề công chứng là việc CCV thực hiện việc công chứng giao dịch. Như vậy, mặc dù CCV được giao thực hiện một số việc chứng thực nhưng nếu CCV không thực hiện việc công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì vẫn không được tính là hành nghề công chứng.
Luật cũng sửa đổi quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời bổ sung một số hành vi mới bị nghiêm cấm đối với CCV, TCHNCC, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, góp phần phát triển đội ngũ CCV chất lượng cao và các TCHNCC ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.
Đồng thời bổ sung quy định về các giao dịch phải công chứng nhưng không theo hướng liệt kê tên giao dịch mà quy định tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng. Đồng thời Luật giao cho Bộ Tư pháp trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc xác định các giao dịch phải công chứng, tăng tính minh bạch trong quá trình áp dụng pháp luật.
Đối với thủ tục chung về công chứng giao dịch, Luật Công chứng năm 2024 bổ sung một số loại giao dịch về bất động sản mà khi thực hiện công chứng thì không phải theo thẩm quyền địa hạt phù hợp với tính chất của giao dịch; bổ sung quy định cho phép người yêu cầu công chứng được thoả thuận với TCHNCC về thời hạn công chứng trong một số trường hợp cụ thể để vừa bảo đảm quyền của người yêu cầu công chứng vừa không tạo sự cứng nhắc trong thủ tục công chứng; quy định rõ hơn về các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở để vừa bảo đảm nguyên tắc công chứng tại trụ sở vừa tạo sự linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn...
Trong bối cảnh đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh chuyển đổi số, Luật Công chứng đã bổ sung bổ sung 04 điều mới quy định những vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng.