Công chức tổn thương khi bị hạn chế nói giọng quê mình

(PLO) -  Hà Nội là trung tâm hành chính, rất nhiều người địa phương khác làm việc. Việc muốn cán bộ không được nói tiếng địa phương vô hình trung đã làm…khó họ. Tiếng địa phương như ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt, trong giao tiếp tự nhiên rất khó để họ điều chỉnh. Một số người còn cảm thấy bị tổn thương khi “ép” nói giọng không phải tiếng quê mình.
Công chức hoang mang khi bị hạn chế nói giọng địa phương
Công chức hoang mang khi bị hạn chế nói giọng địa phương

Quy định làm khó công chức, viên chức…

Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội Dự thảo “Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội”. Trong đó có quy định: cán bộ, công chức Hà Nội được khuyên hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ.

Quy định cũng nêu rõ khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc thì cán bộ, công chức Hà Nội phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ; Tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Đối với người vi phạm chuẩn mực văn hóa phát ngôn tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định.

Ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa Gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, quy định trên ra đời mang tính chất khuyến cáo cán bộ, công chức thành phố hạn chế nói ngọng, nói lắp và sử dụng ngôn ngữ địa phương. Từ đó giúp người khác không hiểu lầm hoặc khó hiểu khi trao đổi công việc với công chức. Quy định này là văn bản pháp lý để thủ trưởng các cơ quan có “cái gậy” để chấn chỉnh nhắc nhở cán bộ, công chức vi phạm.

Quy định này đang có ý kiến trái chiều. Nhiều người thắc mắc sự chung chung của quy định. Thế  nào là “hạn chế”? Đối với người bị tật nói ngọng, nói lắp, họ nói một cách phản xạ tự nhiên. Đối với họ, một ngày họ cố gắng chỉ nói ngọng, nói lắp 5-7 lần đã là… “kỳ tích” nhưng đối với người nghe lại là quá nhiều, gây khó chịu người nghe.

Chưa kể tới việc, Hà Nội là trung tâm hành chính, rất nhiều người địa phương khác làm việc. Việc muốn cán bộ không được nói tiếng địa phương vô hình trung đã làm…khó họ. Tiếng địa phương như ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt, trong giao tiếp tự nhiên rất khó để họ điều chỉnh. Một số người còn cảm thấy bị tổn thương khi “ép” nói giọng không phải tiếng quê mình.

Chị Thu Hiền, cán bộ ngành y đang làm việc tại Hà Nội (quê Nghệ An) hoang mang: “Tôi nói tiếng địa phương hơn 40 năm nay, bây giờ yêu cầu tôi chuyển giọng theo tiếng Thủ đô, tôi không làm được. Thời sinh viên, tôi đã tập nói tiếng Bắc nhưng đều thất bại. Với chuyên môn tốt, ý thức kỷ luật tốt nhưng lại nói tiếng địa phương, không lẽ tôi bị nhắc nhở, kiểm điểm, nặng hơn thì bị cho thôi việc?”

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng về mặt lý thuyết, quy định này đúng, nhưng hơi nhạy cảm. Bởi, Hà Nội là nơi hội tụ của bốn phương, không thể yêu cầu cán bộ có quê ở các tỉnh miền Trung không nói giọng địa phương, hoặc cán bộ quê gốc Bắc Ninh, Hưng Yên phải nói chuẩn chữ “l” và “n”… Hơn nữa, ngay ở Hà Nội, các quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Thạch Thất cũng có cả một vùng nói ngọng, nói tiếng địa phương.

Quy định “có chỉ cho vui”?

Trước đó, cuối năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao đã đưa ra Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan. Dự thảo này cũng có nhiều ý kiến trái chiều với nhiều quy tắc rất chung chung mơ hồ khiến cán bộ, công chức khó thực hiện. Có người còn bật cười vì một số tiêu chí. Đó là:  công chức mặc lịch sự, áo có ống tay, cổ áo; không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp. Vậy thế nào là “phù hợp”? Không lẽ, lãnh đạo cơ quan bắt phải “đồng phục trang sức, màu son, đồng phục nước hoa cho “phù hợp”? Vì quá chung chung nên những tiêu chí này, nhiều người e rằng sẽ chỉ dừng lại trên văn bản mà không có tác động thiết thực đến việc thay đổi thói quen xấu, hình thành thói quen văn minh hơn cho người dân Thủ đô nói chung.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền thẳng thắn: “Chúng ta nên đi vào thực chất chứ không thể kêu gọi hay đề ra quy tắc hình  thức, thiếu khả thi. Những hành vi nào đã được điều chỉnh bởi các văn bản luật hiện hành thì thực hiện cho tốt. Ví dụ như hút thuốc lá ở nơi cơ quan, công cộng bị phạt, vậy đã phạt ai, ai phạt chưa? Hay chuyện bạo lực gia đình, chồng đánh vợ đã ông chồng nào bị cơ quan phạt và ai dám xông vào phạt chưa?” 

Có thể thấy, quy định phát ngôn, quy tắc ứng xử có thể sẽ chỉ là “chổi lông gà quét bã cao su”, “có để cho vui” khi chỉ tuyên truyền, với những tiêu chí khung chung chung, mơ hồ, chưa có chế tài xử phạt. Chưa kể tới việc, có chế tài cũng chưa chắc thực hiện nghiêm túc. Bởi có rất nhiều điều luật cơ bản với chế tài cụ thể mà tới giờ vẫn bị... ngó lơ. 

Đọc thêm