Cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh Đại học: Nhiều vấn đề bất cập

(PLO) - Nhiều thí sinh có điểm cao từ 29 - 30 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 vì không có điểm ưu tiên khiến dư luận xôn xao trong nhiều ngày gần đây. Chuyên gia cho rằng còn nhiều bất cập trong việc cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh Đại học…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đánh giá một cách khách quan, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 có nhiều đổi mới giúp giảm tải áp lực cho thí sinh và gia đình. Nhưng phải thẳng thắn rằng, việc nhiều thí sinh đạt điểm cao, với những cơn mưa điểm 10 không phải vì chất lượng giáo dục tốt hơn, không phải vì học sinh giỏi hơn, mà do phương thức thi cử (cách tổ chức thi, trông thi và việc ra đề thi).

Năm nay, nhiều môn lần đầu áp dụng thi theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi theo đánh giá của nhiều thí sinh là khá dễ, nên số lượng em đạt được điểm 10 cao kỷ lục (4.200 điểm 10, gấp 60 lần so với năm học 2016). Từ kỷ lục này kéo theo nhiều kỷ lục khác, trong đó có việc điểm chuẩn tăng cao nhất từ trước đến nay. Cũng chưa bao giờ trong lịch sử tuyển sinh đại học của Việt Nam có chuyện thí sinh đạt 29-30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1.

Trượt vì điểm thấp đã đành, đằng này điểm cao, đạt điểm tuyệt đối các môn thi vẫn bị trượt. Và nguyên nhân của việc này là vì cộng điểm ưu tiên. Nguyễn Phùng Hưng, nam sinh ở Thạch Thất (Hà Nội) đạt 29,25 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 ngành Y đa khoa - ĐH Y Hà Nội. Vì “thua” tiêu chí phụ và điểm cộng khu vực, nên em bức xúc và cho việc cộng điểm ưu tiên khu vực hiện nay là bất công.

Đánh giá về câu chuyện thí sinh điểm cao vẫn có thể trượt đại học, PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - cho rằng, đây là bài học trong việc lựa chọn nguyện vọng của thí sinh.

Năm nay, nhiều thí sinh đạt điểm cao và các em đều “bỏ trứng vào một giỏ” nên điểm chuẩn của trường top trên tăng mạnh. Nhưng đạt điểm tuyệt đối mà vẫn trượt thì đúng là rất tiếc.

“Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh bằng hình thức cộng điểm khi xét tuyển ĐH, CĐ đã được Bộ GDĐT áp dụng từ nhiều năm nay. Việc này thể hiện chính sách của Nhà nước nhằm đảm bảo sự công bằng với các thí sinh sống ở những khu vực khác nhau, khi đất nước vẫn còn sự chênh lệch về điều kiện kinh tế, mức sống, văn hóa giữa các khu vực.

Tuy nhiên, việc cộng điểm này cũng lộ rõ sự bất cập. Bình thường có rất nhiều ưu tiên, nhưng khi cộng điểm để xét tuyển đại học thì chỉ nên được một ưu tiên thôi, chứ không nên cộng dồn lại. Vì cộng dồn, nếu thí sinh thuộc nhiều nhóm, đối tượng ưu tiên có khi được cộng lên đến 3-4 điểm. Trong khi các thí sinh khác phải cạnh tranh từng 0,25 điểm để giành cơ hội vào đại học” - PGS-TS Trần Văn Tớp phân tích.

Phó hiệu trưởng Trường Bách Khoa cũng chia sẻ thêm, hiện nay Bách khoa và nhiều trường khác rất khó xử với chính sách cộng điểm ưu tiên và cử tuyển. Mỗi năm, Đại học Bách khoa nhận rất nhiều học sinh ở các trường dân tộc nội trú vào học, riêng năm nay là 40 học sinh.

Còn TS. Đàm Quang Minh cho rằng, chính sách cộng điểm ưu tiên theo khu vực đã không còn chính xác tuyệt đối, một số địa phương được cộng điểm thực tế đã có điểm trung bình cao hơn cả những khu vực không ưu tiên. Thậm chí, chính sách cộng điểm ưu tiên hiện nay đang bị ngược đối với các thí sinh tại địa bàn KV3.

Theo quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT trong nhiều năm qua, thí sinh có thể được cộng đến 3,5 điểm từ ưu tiên đối tượng, khu vực. Khẳng định chính sách này là cần thiết nhưng nhiều trường cũng cho rằng đã đến lúc cần nghiên cứu lại cho sát thực tế và đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Theo TS Đàm Quang Minh, chính sách cộng điểm theo khu vực và diện ưu tiên đầu tiên ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu này của xã hội. Có quá nhiều khó khăn để các đối tượng khu vực vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận việc học đại học.

Điều đáng nói là Việt Nam không phải nơi duy nhất có những chính sách này. Ngay tại nước Mỹ, các sắc dân thiểu số cũng vẫn có chính sách hỗ trợ để tiếp cận các bậc đại học dễ dàng hơn. Thậm chí, có một số trường còn hạn chế sinh viên Do Thái ở mức 15% vì các sinh viên này quá giỏi và chiếm hết chỗ học của các sinh viên khác (một số trường theo Cơ đốc giáo). Hay đặc biệt những ngành như luật có chính sách nhất định để tăng số lượng sinh viên da đen và nhập cư khác theo học.

Do đó có thể nói chính sách ưu tiên dạng này không phải là đặc thù Việt Nam nhưng điều đáng nói là chính sách này đã trở thành ưu tiên ngược. Có nhiều bất cập trong việc cộng điểm ưu tiên Đại học năm nay.

Đọc thêm