Cộng đồng quốc tế thúc đẩy phụ nữ sáng tạo và khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều quốc gia, cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực xây dựng và thúc đẩy một môi trường phụ nữ có thể theo đuổi đam mê khoa học, công nghệ, nghệ thuật, khởi nghiệp,… ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Mạng lưới SHTT và giới ở các quốc gia Mỹ Latinh nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thu hẹp khoảng cách giới. (Ảnh: Flickr)
Mạng lưới SHTT và giới ở các quốc gia Mỹ Latinh nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thu hẹp khoảng cách giới. (Ảnh: Flickr)

Nhiều sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Mặc dù khoảng cách giới trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) là một vấn đề nan giải, nhưng phụ nữ có thể đóng vai trò chủ đạo trong việc thu hẹp khoảng cách này khi được tin tưởng, trao quyền và hỗ trợ những nguồn lực cần thiết. Một số quốc gia đã áp dụng chính sách giảm phí đăng ký và hỗ trợ pháp lý miễn phí cho việc chuẩn bị và nộp đơn đăng ký sáng chế cho phụ nữ nhằm khuyến khích họ tham gia nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp.

Ví dụ như Chương trình khuyến khích bảo vệ thiết kế và bằng sáng chế Juana của Văn phòng Sở hữu trí tuệ Philippines (IPOPHL) giúp đỡ rất nhiều nhà phát minh, nhà sáng tạo phụ nữ của đất nước này bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của mình.

Tại Ấn Độ cũng có một chương trình tương tự từ Văn phòng Tổng kiểm soát Bằng sáng chế, Kiểu dáng và Nhãn hiệu (CGPDTM) khi họ giảm tới 80% lệ phí cho các công ty khởi nghiệp và các doanh nhân nữ. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ đã triển khai Chương trình Nhà khoa học nữ (WOS), cung cấp cho những phụ nữ đã nghỉ việc, nghỉ thai sản tái gia nhập lực lượng lao động bằng các khoản tài trợ nghiên cứu và học bổng, đặc biệt tạo điều kiện cho họ theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Tại Hoa Kỳ, Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu (USPTO) đã giảm phí cho các tổ chức nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 60% và 80%. Chương trình Pro Bono của USPTO cung cấp hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các nhà phát minh và doanh nghiệp nhỏ, phần lớn trong số đó do phụ nữ lãnh đạo. Còn ở Mexico, thông qua chương trình Mujeres Innovadoras, Viện Sở hữu Công nghiệp Mexico (IMPI) hỗ trợ cho phụ nữ nhiều nguồn lực khác nhau, bao gồm các khoá tập huấn kỹ năng, dịch vụ tư vấn và các cơ hội đào tạo khác giúp họ gia tăng giá trị và đưa các sáng kiến của mình ra thị trường thương mại.

Ngoài ra, các cơ quan SHTT tại nhiều quốc gia đã bổ sung các dịch vụ hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Các dịch vụ này bao gồm hướng dẫn về cách gửi đơn đăng ký để bảo vệ tài sản SHTT, các chương trình đào tạo để người đăng ký hiểu rõ hơn về tính hợp pháp của hệ thống SHTT cũng như khả năng tiếp cận các cơ hội tài trợ, cách thức quản lý hiệu quả tài sản SHTT và thực hiện các mục tiêu kinh doanh,…

Ở cấp độ quốc tế, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đóng vai trò “đầu tàu” trong các nỗ lực hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái dễ dàng tiếp cận hệ thống SHTT, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua nhiều giải pháp. Đơn cử như cung cấp các dịch vụ tư vấn về SHTT và kinh doanh cho phụ nữ, hỗ trợ nguồn lực cho các nhà phát minh và doanh nhân nữ, xây dựng hệ thống dữ liệu về sự tham gia của phụ nữ trong SHTT, hỗ trợ các chính phủ lồng ghép bình đẳng giới vào các chính sách pháp luật về SHTT,…

Một trong những giải pháp quan trọng WIPO đã triển khai trong nhiều năm qua là chương trình cố vấn SHTT ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Đơn cử, ở châu Phi, thông qua dự án SHTT dành cho Nữ doanh nhân, 70 doanh nhân nữ ở Uganda đã đăng ký nhãn hiệu của họ, một bước quan trọng đầu tiên giúp họ xây dựng thương hiệu và quảng bá doanh nghiệp hiệu quả hơn cũng như cạnh tranh trên thị trường.

Tương tự, Chương trình Nữ doanh nhân và Sáng tạo châu Á - Thái Bình Dương cũng cho thấy những tác động tích cực. Đến nay, chương trình đã kết nối 150 phụ nữ từ Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka và Việt Nam với hệ thống SHTT. Chương trình đã mở rộng kiến thức về SHTT, trang bị cho họ những kỹ năng và công cụ cần thiết để khai thác và hưởng lợi từ các cơ hội thị trường. Những câu chuyện thành công của những phụ nữ tham gia các chương trình của WIPO góp phần truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác dám theo đuổi những đam mê, tham vọng của họ.

Cùng với các dịch vụ được cung cấp bởi các cơ quan SHTT ở mỗi quốc gia, Học viện WIPO cung cấp các khoá học, chương trình đào tạo trực tuyến và miễn phí nhằm hỗ trợ phụ nữ chủ động tìm hiểu, tiếp cận thông tin để bảo vệ các quyền SHTT của mình. Trang web “Ý tưởng kinh doanh” (Enterprising Ideas) của WIPO cũng cung cấp các công cụ miễn phí như “Quản lý tài sản trí tuệ cho các công ty mới thành lập” và “Công cụ chẩn đoán SHTT”, giúp các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đánh giá sức mạnh của tài sản SHTT của họ.

Cuối cùng, WIPO hiện đang hoàn thiện và chuẩn bị xuất bản “Kế hoạch Hành động về Sở hữu trí tuệ và Giới” – văn bản cung cấp một kế hoạch chi tiết cho các đơn vị, tổ chức, chính phủ khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hệ sinh thái SHTT và đổi mới trên toàn thế giới. Được biết, kế hoạch này được xây dựng xung quanh 3 trụ cột chính: Hỗ trợ các chính phủ trong việc lồng ghép vấn đề giới vào luật pháp, chính sách, chương trình và dự án về SHTT; Thúc đẩy nghiên cứu xác định mức độ và bản chất của khoảng cách giới trong SHTT và các giải pháp để thu hẹp khoảng cách này; Thí điểm các dự án và sáng kiến định hướng về giới để nâng cao kiến thức và kỹ năng SHTT của phụ nữ và các tổ chức hỗ trợ phụ nữ.

Dự án cố vấn về SHTT của WIPO tại châu Phi nhiều nữ doanh nhân tại Uganda tiếp cận hệ thống SHTT. (Ảnh: WIPO)

Dự án cố vấn về SHTT của WIPO tại châu Phi nhiều nữ doanh nhân tại Uganda tiếp cận hệ thống SHTT. (Ảnh: WIPO)

Thu hẹp khoảng cách giới trong SHTT bằng cách trao quyền cho phụ nữ. (Ảnh: WIPO)

Thu hẹp khoảng cách giới trong SHTT bằng cách trao quyền cho phụ nữ. (Ảnh: WIPO)

Thách thức về dữ liệu và giải pháp

Những nỗ lực và hành động từ cộng đồng quốc tế và các quốc gia đã góp phần tạo ra một môi trường tốt hơn cho phụ nữ có thể phát huy tài năng sáng tạo của họ, thông qua đó phục vụ lợi ích cho xã hội. Trên thực tế, để đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực SHTT còn có rất nhiều thách thức và khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là hệ thống dữ liệu về thực trạng phụ nữ đang tham gia và đóng góp như thế nào trong các hoạt động SHTT ở các địa phương, quốc gia và khu vực vẫn còn rất hạn chế. Việc thu thập dữ liệu này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguồn gốc, nguyên nhân, từ đó xác định mức độ ảnh hưởng và giải pháp thu hẹp khoảng cách về giới trong SHTT.

Hiện nay, hệ thống dữ liệu của WIPO về SHTT và giới giúp các nhà hoạch định chính sách định hình vấn đề và đưa ra những định hướng, cơ chế nhằm giải quyết khoảng cách giới trong SHTT một cách hiệu quả. Ngoài ra, WIPO cũng cung cấp thêm “Hướng dẫn về Phân tích vấn đề Giới trong SHTT”, trong đó gợi ý các giải pháp tốt nhất giúp chính phủ và các nhà nghiên cứu đạt được sự cân bằng về giới trong SHTT và đổi mới, sáng tạo trong quá trình đánh giá và xây dựng chính sách liên quan.

Mặt khác, Văn phòng Bằng sáng chế Châu Âu (EPO) đang hành động để thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập trong các lĩnh vực đổi mới và SHTT bằng cách nêu bật những thành tựu của các nhà phát minh nữ và nâng cao nhận thức về khoảng cách giới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ. EPO khẳng định sự tham gia của phụ nữ là yếu tố quan trọng góp phần cho sự phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh trong tương lai của khối Liên minh châu Âu.Trong báo cáo về Sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động sáng tạo, EPO đã làm sáng tỏ những thách thức lớn mà các nước châu Âu phải đối mặt khi tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong khoa học, khi thực hiện thu thập dữ liệu và đánh giá sự tham gia của phụ nữ ở 39 quốc gia thành viên của khối. Từ tài liệu này, các nhà hoạch định chính sách xác định việc đảm bảo sự đa dạng và hòa nhập là ưu tiên hàng đầu trong các lĩnh vực SHTT và đổi mới của châu Âu.

Mạng lưới SHTT và giới ở các quốc gia Mỹ Latinh cũng đang cho thấy những kết quả đáng mong đợi khi dựa vào đó, họ đang hướng tới hoàn thiện một lộ trình để phụ nữ có quyền tiếp cận bình đẳng với hệ thống SHTT và các nguồn lực khác giúp họ biến sáng kiến của mình thành các giải pháp có thể thương mại hoá sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng và các bên liên quan. Mạng lưới này bao gồm các văn phòng SHTT của Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Mexico, Peru, Uruguay và WIPO. Cuba, Panama và Paraguay gần đây cũng đã tham gia mạng lưới này. Sáng kiến này giúp thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm và bài học thực tiễn tốt nhất giữa các quốc gia trong cùng mạng lưới, nhằm mục đích chung là thu hẹp khoảng cách giới thông qua việc trang bị cho phụ nữ kiến thức, kỹ năng và nguồn lực họ cần để thành công trong đổi mới và khởi nghiệp.

Đọc thêm