Công khai tài chính, tài sản

(PLO) - Việc một cán bộ lãnh đạo Bộ Công Thương có tài sản hàng trăm tỷ đang được dư luận quan tâm theo dõi quá trình hình thành nên khối tài sản đó. Bộ Công Thương, như những động thái gần đây cho công khai các sự việc mà dư luận nghi vấn đã xác định khối tài sản này, cụ thể là cổ phần tại Công ty Điện Quang, là tài sản hợp pháp của cán bộ này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở một lĩnh vực khác, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về Bộ Tài chính theo quy định, công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu khi xảy ra thua lỗ.

Hai việc trên tưởng chừng như không liên quan đến nhau lắm, một cái thuộc cá nhân và cái kia thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế nhà nước. Song, rõ ràng là nếu sự giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước chặt chẽ, những thông tin tài chính luôn được công khai thì sẽ chẳng ai nghi ngờ vị lãnh đạo doanh nghiệp lại làm giàu bất chính, biến tài sản chung thành cổ phần của riêng mình.

Thực tế, có những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất nhưng những người lãnh đạo doanh nghiệp vẫn hưởng lương cao ngất ngưởng cùng với những đặc quyền, đặc lợi do cương vị lãnh đạo của mình mang lại. Doanh nghiệp có phá sản thì cá nhân họ vẫn giàu.

Đây quả là một nghịch lý khó chấp nhận, những người lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn nhà nước thực sự chỉ là “người làm thuê” cho ông chủ lớn là Nhà nước, thế mà ông chủ phá sản thì người làm thuê vẫn hưởng lợi lớn. Trong trường hợp xấu nhất là phải hầu tòa vì “làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” thì những người lãnh đạo doanh nghiệp này có thể bị tù tội nhưng tài sản của họ “làm ra” trong thời kỳ đương chức khó ai có thể động đến được.

Ai cũng thấy rõ là trong những ngành kinh tế độc quyền, khai khoáng, quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản... là những lĩnh vực cực kỳ “béo bở”, vốn là của Nhà nước, tài nguyên của đất nước, tài sản của toàn dân nhưng lợi nhuận thì một số quan chức chia nhau, thua lỗ thì Nhà nước (cũng chính là nhân dân) gánh chịu! Bất công xã hội từ đó mà ra và cái khoảng cách giàu nghèo bị giãn rộng, đào sâu cũng chính bởi từ đấy.

Không có biện pháp nào hữu hiệu hơn là tài chính của doanh nghiệp nhà nước, tài sản của cán bộ lãnh đạo phải công khai để làm cơ sở cho sự giám sát và so sánh. Hiện tại, với mức lương công chức và các khoản thu nhập khác cộng lại, tiết kiệm cả đời không mua nổi một căn hộ, thế mà số cán bộ có khối tài sản khổng lồ không phải là ít, xứng đáng là “một bộ phận không nhỏ”, vẫn được thừa nhận là tài sản chính đáng, đó là điều mà khó người dân nào có thể chấp nhận được.

Đọc thêm