Xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại: Rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan

(PLO) - Một trong những khó khăn trong hoạt động của Thừa phát lại hiện nay là sự thiếu hợp tác của các cơ quan liên quan. Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến bổ sung quy định theo hướng rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong phối hợp với Thừa phát lại.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, việc quá tải dẫn đến chậm trễ trong việc thi hành các bản án, quyết định tại cơ quan thi hành án dân sự là một trong những nguyên nhân của tình trạng án chuyển kỳ sau còn nhiều, gây áp lực lớn đối với đội ngũ Chấp hành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ Chấp hành viên, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Sự ra đời của Thừa phát lại, trước mắt sẽ tạo nên cơ chế, mô hình thi hành án dân sự mới, bên cạnh Cơ quan thi hành án dân sự hiện hành để người dân có sự lựa chọn được dịch vụ pháp lý tốt và hiệu quả nhất trong việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. 

Đặc biệt, việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại đã góp phần hỗ trợ người dân, tạo điều kiện cho việc thi hành bản án, quyết định của Cơ quan thi hành án hiệu quả hơn. Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy, với điều kiện kinh tế, xã hội, cơ chế quản lý, công khai tài sản chưa được hoàn thiện, minh bạch, sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân để người được thi hành án tự thực hiện xác minh còn chưa hiệu quả, trở thành gánh nặng cho người được thi hành án và cả Chấp hành viên. Việc người được thi hành án gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc xác minh điều kiện thi hành án, nhất là khi phải xác minh tại các cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn đọng án hiện nay.

Với sự ra đời của các Văn phòng Thừa phát lại, trong đó có chức năng xác minh điều kiện thi hành án, về lâu dài, bên cạnh lựa chọn Chấp hành viên, người dân có thêm công cụ hỗ trợ tích cực cho việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức thi hành án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Theo quy định hiện nay, Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Khi thực hiện việc xác minh, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó. 

Để triển khai chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện cho các Văn phòng Thừa phát lại nâng cao kết quả hoạt động xác minh điều kiện thi hành án trong bối cảnh khó khăn về nhận thức và cơ chế như hiện nay (theo Điều 44 của Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi thì nghĩa vụ xác minh thuộc Chấp hành viên, không còn là nghĩa vụ bắt buộc của đương sự; khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh thì đương sự không phải chịu chi phí xác minh, trong khi nếu yêu cầu Thừa phát lại thực hiện thì người yêu cầu phải chịu chi phí xác minh); đồng thời, tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận dân sự giữa Thừa phát lại và người yêu cầu xác minh, dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng thẩm quyền, phạm vi xác minh của Thừa phát lại như sau: Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên phạm vi toàn quốc.

 Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại; tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các văn phòng, phục vụ tối đa nhu cầu, lợi ích của người dân trong hoạt động này, dự thảo Nghị định dự kiến bổ sung quy định về ủy thác xác minh điều kiện thi hành án giữa các Văn phòng Thừa phát lại; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như: công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; cán bộ, công chức cấp xã khác; bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng… trong việc hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện xác minh điều kiện thi hành án.

Đọc thêm