Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng dẫn tình huống, đợt dịch thứ nhất, cách đây gần 20 tháng, chỉ có vài chục ca nhiễm F0 thì tất cả có thể đưa về Trung ương chữa trị. Nhưng đợt dịch thứ 4 này là hàng trăm nghìn ca nhiễm, lớn hơn hàng nghìn lần, thì không thể đưa về Trung ương được nữa. Các ca F0 hiện nay đang được điều trị tại các trung tâm y tế tuyến huyện. Và việc tư vấn chữa trị từ xa qua cầu truyền hình từ Trung ương tới các huyện là vô cùng quan trọng, nhiều khi là quyết định thành công.
"Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hỏi tôi cách đây 5 ngày, còn bao nhiêu trung tâm y tế tuyến huyện chưa kết nối truyền hình, tôi trả lời còn trên 300 huyện, tức là khoảng 45% tổng số huyện, nhưng đa phần là các huyện khó khăn. Thủ tướng hỏi, có thể làm nhanh được không, tôi xin phép trả lời sau khi tham vấn Cục Viễn thông và các doanh nghiệp. Tình huống là rất khẩn cấp, cần phải làm rất nhanh. Tôi cũng không ngờ là Viettel và VNPT đều hứa quyết tâm làm trong 2 ngày, nhưng thực tế là 2,5 ngày thì xong, tức là ngày thứ Sáu 6/8/2021, thì 100% các trung tâm tuyến huyện tại Việt Nam đã được kết nối với các bệnh viện Trung ương", Bộ trưởng Hùng cho biết.
Bộ trưởng TT&TT khẳng định: "Không nhiều quốc gia trên thế giới có được điều này."
"Kết nối truyền hình để thực hiện TeleHealth tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế. Nhưng mơ ước ấy lại được thực hiện trong 2,5 ngày. Nó được thực hiện là vì có quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất. Nó được thực hiện là vì trong bối cảnh khẩn cấp, không ai còn lo cho bản thân mình. Nó được thực hiện là vì chúng ta có những doanh nghiệp Việt Nam, những doanh nghiệp nhà nước, có ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước, với nhân dân còn cao hơn cả lợi nhuận", ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Đến nay, 100% các trung tâm tuyến huyện tại Việt Nam đã được kết nối với các bệnh viện Trung ương. |
Theo ông, Covid làm cho chúng ta nhận ra những tiềm năng vô hạn, những năng lượng lớn lao chưa được khai thác. Chuyện 10 năm có thể làm 1 năm, một tháng, cũng có thể 1 ngày. "Vậy thì đất nước chúng ta tại sao lại không thể phát triển đột phá hơn, nhanh hơn?" - ông đặt vấn đề.
"Trung tâm Công nghệ Phòng chống Covid Quốc gia cũng là một câu chuyện như vậy. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các nền tảng công nghệ phòng chống Covid phải được dùng chung toàn quốc, dữ liệu phải liên thông, dữ liệu phải tập trung để Trung ương có thể nhìn thấy tình trạng dịch và việc triển khai phòng chống dịch trên toàn quốc, để có thể điều hành thống nhất, để có thể phân tích dữ liệu phục vụ cho việc ra quyết định nhanh và chính xác. Trước đây thì trăm hoa đua nở, nơi có, nơi không, mỗi nơi mỗi khác, dữ liệu không liên thông, báo cáo về Trung ương phải làm bằng tay và không cập nhật", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trong vòng chưa đầy 2 tháng, gần 1.500 tỷ thiết bị phần cứng được các doanh nghiệp tập trung về cho Trung tâm, gần 1.000 kỹ sư làm việc cho Trung tâm, 18 doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam cung cấp hạ tầng và phát triển các nền tảng số chống dịch, 18 nền tảng số đã đưa vào khai thác, phục vụ cho tất cả các khâu chống dịch, từ sổ sức khoẻ điện tử, tới nhập cảnh, tới khai báo y tế, truy vết, cách ly, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát giãn cách xã hội, tư vấn hỗ trợ người bệnh, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, cơ sở dữ liệu về người cao tuổi cần được ưu tiên tiêm vắc xin, cơ sở dữ liệu về những người vô gia cư, không giấy tuỳ thân cần trợ giúp... Mỗi ngày Trung tâm đang phục vụ 20 triệu người và tiến tới khi tất cả các tỉnh dùng thì sẽ là 100 triệu người.
"Nhanh như vậy, lớn như vậy, hiệu quả như vậy lại vẫn là do quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất, là do bối cảnh khẩn cấp không còn ai lo cho riêng mình, không còn phân biệt của anh của tôi, là do có những doanh nghiệp Việt Nam yêu nước Việt Nam", ông Hùng khẳng định.
Theo ông Hùng, công nghệ số thì càng nhiều người dùng sẽ càng rẻ, càng dùng nhiều thì càng hoàn thiện, càng nhiều dữ liệu thì càng tạo ra nhiều giá trị. Bởi vậy mà nó chỉ phát huy hiệu quả khi là nền tảng dùng chung toàn quốc. Những nền tảng thiết yếu thì nên là đầu tư của Trung ương và dùng chung bắt buộc.
Nói về sự ra đời của Trung tâm Công nghệ Phòng chống Covid Quốc gia, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các nền tảng số dùng chung toàn quốc sẽ biến Việt Nam thành một cơ thể thống nhất. |
Bộ trưởng nói: "Những bài học mà chúng ta có thể rút ra là: Nếu có quyết tâm chính trị từ người cao nhất và đội ngũ thực thi mang tính kỹ trị thì nhiều việc tưởng như không thể lại có thể; Doanh nghiệp Việt Nam thì bao giờ cũng yêu Việt Nam nhất, họ đang chờ Chính phủ, chờ đất nước giao cho họ những việc lớn lao hơn, những việc vĩ đại hơn để họ cống hiến và qua đó mà phát triển và trở lên vĩ đại; Chỉ những khi đặc biệt khó khăn, tình huống thật đặc biệt thì mới có những lời giải đặc biệt, mới xuất hiện những con người đặc biệt và những tổ chức đặc biệt; Các nền tảng số dùng chung toàn quốc sẽ biến Việt Nam thành một cơ thể thống nhất, chỉ như vậy mới có thể kiểm soát được tình hình trên diện rộng toàn quốc, mới có thể phản ứng nhanh, linh hoạt, hành động thống nhất và triệt để, và vì vậy mà có sức chống chịu cao; Với cái mới thì sự tự giác chỉ đến sau khi bắt buộc; Dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu sẽ luôn chỉ ra cho chúng ta cả đường gần và gợi ý cho chúng ta đường xa phía trước."
Cảm ơn sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sự quyết liệt của Thủ tướng, và niềm tin mà Thủ tướng đã đặt vào ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, ngành TT&TT sẵn sàng nhận thêm những nhiệm vụ mới mà Thủ tướng giao, càng khó bao nhiêu, cành nặng bao nhiêu, càng thách thức bao nhiêu thì sẽ càng tạo ra sự phát triển cho lĩnh vực công nghệ số bấy nhiêu. Bởi vì, công nghệ số phát triển được là do người đặt ra bài toán nhiều hơn là bởi người giải bài toán. Và công nghệ số Việt Nam mà phát triển thì đất nước này cũng sẽ phát triển nhanh và bền vững.