Với việc kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tới 100% huyện, tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện trong cả nước sẽ được các bệnh viện Trung ương hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân COVID-19 từ xa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hơn 300 trung tâm y tế huyện cuối cùng trong cả nước chưa được kết nối chiếm 45% số huyện trong cả nước và đa phần là những huyện khó khăn. Việc kết nối các huyện còn lại vào hệ thống telehealth chỉ trong hơn hai ngày của Viettel và VNPT, theo Bộ trưởng Hùng, là "bởi vì chúng ta có những doanh nghiệp Việt nam, những doanh nghiệp nhà nước, có ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước, với nhân dân còn cao hơn cả lợi nhuận".
100% cơ sở y tế huyện trong cả nước được kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương qua nền tảng Telehealth của Viettel. |
Chỉ trong hơn hai ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối vào nền tảng telehealth do Viettel xây dựng và đã đưa vào hoạt động từ tháng 4-2020.
Ngay tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện kết nối hệ thống telehealth với Bệnh viện Cần Giờ TP.HCM, Bệnh viên đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 đang chuyển biến nặng.
Qua thực tế, các bác sĩ đánh giá, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số bệnh nhân tăng nhanh.
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa telehealth do Viettel phát triển được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo. Đây là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình Chuyển đổi số của ngành Y tế, hướng đến mục tiêu "vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn". Tính đến nay, có gần 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên telehealth, gần 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức thông qua hệ thống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia trải nghiệm cùng các bác sĩ tuyến trung ương, trực tiếp chứng kiến các chuyên gia, bác sĩ ở bệnh viện tuyến trung ương tư vấn cho các bác sĩ bệnh viện tuyến huyện điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đánh giá đây là những nỗ lực hiệu quả góp phần vào chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nói riêng và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đang từng bước hoàn thiện thông điệp phòng chống dịch bệnh COVID-19 để chống dịch hiệu quả hơn, từ Thông điệp 5K tiến tới Thông điệp "5K + vắc-xin + thuốc" và bây giờ là Thông điệp " 5K + vắc-xin + thuốc và công nghệ".
Thủ tướng yêu cầu hai bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế cùng các tập đoàn công nghệ tiếp tục hoàn thiện quy trình của nền tảng telehealth để phát huy tối đa hiệu quả, không chỉ trong điều trị bệnh nhân COVID-19, mà sau dịch bệnh COVID-19 tiếp tục hoàn thiện để điều trị chẩn đoán nhiều bệnh khác. |
Theo Thủ tướng, vấn đề áp dụng công nghệ để chữa bệnh ở đây không chỉ là khoa học mà còn là niềm tin, tâm lý, nhân văn. Do đó, đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất trong phân lớp, phân tầng bệnh nhân để điều trị phù hợp; các Bộ: Khoa học và Công nghiệp, Thông tin và Truyền thông... hoàn chỉnh công nghệ, nhất là cần phát hiện những hạn chế khi áp dụng công nghệ này để việc hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được thông suốt, trơn tru, hiệu quả.
“Cái gì đã "chín," đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay. Việc này đặt trong sự vận động và phát triển, do đó phải phát hiện và hoàn thiện,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý nghĩa của việc kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và hoạt động của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, vì điều này cũng góp phần vào chuyển đổi số trong ngành y tế nói riêng. Qua đó, kịp thời cứu chữa cho người bệnh, giúp lực lượng y tế cơ sở có thêm kiến thức, tự tin, giảm quá tải cho tuyến trên.
Người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh, biểu dương sự cố gắng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, các đơn vị công nghệ, sự cố gắng của các y bác sỹ tại các cơ sở khám chữa bệnh đã “thần tốc” vận hành hệ thống công nghệ này phục vụ khám, chữa bệnh thông suốt. Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế tổ chức thêm các buổi tập huấn, bảo đảm vận hành hệ thống được nhuần nhuyễn, tiến tới có trung tâm hồi sức cấp cứu ở tuyến huyện để các ca bệnh nặng không phải chuyển lên tuyến trên.
Thủ tướng khẳng định dịch COVID-19 lây lan không phân biệt quốc gia, dân tộc, tôn giáo, địa phương, già trẻ, gái trai, là dịch bệnh rất nguy hiểm. Vì thế sử dụng chung nền tảng công nghệ trên toàn quốc sẽ tăng cường hiệu quả trong chống dịch. Đề nghị ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ phục vụ chữa trị cho bệnh nhân, giảm tối đa các ca tử vọng, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa đất nước phát triển ổn định, thịnh vượng./.
Cùng ngày, Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 đã chính thức ra mắt, trở thành hệ thống dữ liệu và các nền tảng phòng chống dịch bệnh thống nhất, liên thông trong toàn quốc.
Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 với lực lượng nòng cốt là Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế và 20 doanh nghiệp công nghệ số, hàng ngàn chuyên gia, lập trình viên trong và ngoài nước, là nơi hợp lực để phát triển và triển khai thống nhất các nền tảng phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Hiện nay đã có ba nền tảng công nghệ thiết yếu bắt buộc triển khai thống nhất trên toàn quốc là Nền tảng khai báo y tế và ghi nhận vào ra địa điểm công cộng bằng mã QRCode, Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong vòng chưa đầy hai tháng, gần 1.500 tỉ đồng thiết bị phần cứng được các doanh nghiệp tập trung về cho trung tâm, gần 1.000 người làm việc miễn phí cho trung tâm. 18 doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam cung cấp hạ tầng và phát triển các nền tảng số chống dịch, 18 nền tảng số đã đưa vào khai thác, phục vụ cho tất cả các khâu chống dịch, từ sổ sức khỏe điện tử, tới nhập cảnh, tới khai báo y tế, truy vết, cách ly, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát giãn cách xã hội, tư vấn hỗ trợ người bệnh, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, cơ sở dữ liệu về người cao tuổi cần được ưu tiên tiêm vắc xin, cơ sở dữ liệu về những người vô gia cư, không giấy tùy thân cần trợ giúp,...
"Hiện nay, mỗi ngày trung tâm đang phục vụ 20 triệu người và tiến tới khi tất cả các tỉnh dùng thì sẽ là 100 triệu người" - ông Hùng thông tin.