Công phá tâm lý sợ sai

(PLVN) - Mới đây, giải trình trước Quốc hội, lãnh đạo Bộ Nội vụ thừa nhận thực trạng cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ không diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều địa phương, kể cả một số bộ, ngành Trung ương.
Ảnh quochoi.vn
Ảnh quochoi.vn

Tâm lý sợ sai thể hiện rõ trong giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Điều này làm trì trệ và chậm trễ nền công vụ, bào mòn và giảm niềm tin của người dân, ảnh hưởng mọi mặt KTXH, DN; cản trở nguồn lực và động lực phát triển; ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển KTXH của đất nước, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, có bốn nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến tâm lý sợ sai, trong đó năng lực chuyên môn của bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; người đứng đầu một số đơn vị chưa nêu gương nghiêm túc; thể chế về KTXH còn bất cập, chồng chéo hoặc có vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được sửa kịp thời. Công cuộc chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, làm trong sạch hệ thống chính trị; một số cán bộ, công chức sai phạm bị kỷ luật, khởi tố dẫn đến một bộ phận có tâm lý sợ sai.

"Tuy nhiên, vì nguyên nhân nào thì cán bộ sợ sai, không dám làm là vi phạm quy định, có biểu hiện suy thoái, cần nghiêm khắc phê phán, triệt tiêu", lãnh đạo Bộ Nội vụ nói, cho biết thực tế một số địa phương vẫn thực hiện tốt đầu tư công, tăng trưởng kinh tế, phát triển DN. Điều này minh chứng rằng cùng cơ chế, nhiều nơi vẫn năng động, sáng tạo, dám làm và làm tốt. Do đó, không thể đổ lỗi rằng thể chế, cơ chế gây khó khăn để không thực thi công vụ.

Ngoài nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định những cá nhân không làm tốt trách nhiệm hoặc năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu sẽ bị thay thế; đề nghị cán bộ xóa bỏ nhận thức "không làm thì không sai" vì đây là dấu hiệu tự diễn biến, cản trở nghiêm trọng phát triển.

Theo giải trình, Bộ Nội vụ đã nỗ lực xây dựng dự thảo nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng đang vướng nhiều vấn đề pháp lý, thẩm quyền. Do đó, nội dung này sẽ được báo cáo Quốc hội có nghị quyết thí điểm. Bộ cũng sẽ nghiên cứu thay đổi quy định về đánh giá cán bộ theo hướng xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể được giao và sớm trình chính sách cải cách tiền lương.

Một quan điểm đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử phân loại các vụ vi phạm. Trong đó, nếu người vi phạm không có động cơ vụ lợi cá nhân, không tham nhũng thì khoan dung, nhân văn hơn để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm.

Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội, một đại biểu cho rằng trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, giải pháp cấp thiết là ưu tiên thay thế những cán bộ sợ sai, không muốn làm; bằng cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Tuy nhiên, như những gì lãnh đạo Bộ Nội vụ giải trình, thì chỉ thay thế thì chưa đủ, mà còn cần toàn diện các giải pháp xử lý bốn nhóm nguyên nhân cơ bản nêu trên; thì cuộc công phá tâm lý sợ sai mới hiệu quả thực chất, đánh được vào cái gốc của vấn đề.

Đọc thêm