Công Phượng lên tiếng về nạn xâm hại tình dục

(PLO) - Đây cũng là mối quan tâm của các cầu thủ Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JM vào những ngày cuối tháng 11 này, khi chiến dịch 16 ngày từ 25/11 đến 10/12  phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái – một chiến dịch có quy mô toàn thế giới – được Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), 
Cầu thủ Công Phượng
Cầu thủ Công Phượng
Được chọn là đại sứ cho chiến dịch chống bạo hành trẻ em và phụ nữ, các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã rất hào hứng tham gia buổi hội thảo nhằm tìm hiểu về bạo lực giới. Các cầu thủ chăm chú lắng nghe đại diện của UNFPA giới thiệu, không những thế còn hăng hái đặt câu hỏi phát biểu cảm nghĩ của mình. Có rất nhiều câu hỏi ngộ nghĩnh đã được các cầu thủ đặt ra, thoạt nghe có vẻ buồn cười nhưng cũng từ đó mà kiến thức của các bạn về bạo lực giới được đầy đủ hơn. 
Một cầu thủ trẻ đứng lên hỏi: “Nếu người phụ nữ sai, mà lại cứ nói đi nói lại, nói đi nói lại mãi, người đàn ông tát một cái, thế có vi phạm không ạ?”. Một cầu thủ khác lại thắc mắc với chuyên gia: “Thế gia đình của các chuyên gia có bình đẳng không ạ?”… 
Sau khi nghe hiểu, Công Phượng – tiền đạo trẻ xứ Nghệ bày tỏ sự phản đối với nạn xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. “Đó là những hành vi kinh tởm và cần được xóa bỏ ngay” – Công Phượng hăng hái. Tiền đạo Văn Toàn cũng có những ý kiến của riêng mình. Cầu thủ trẻ người Hải Dương cho rằng, là đàn ông phải biết dang rộng đôi tay của mình để che chở cho phụ nữ và trẻ em.
Các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai hăng hái đặt câu hỏi về những vấn đề bạo lực giới.
Các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai hăng hái đặt câu hỏi về những vấn đề bạo lực giới.
Đây là năm thứ hai các cầu thủ trẻ của Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal JM làm đại diện cho hình ảnh của UNFPA trong chiến dịch chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái. Năm ngoái, khi nhận được lời đề nghị của Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam về việc mời các cầu thủ U19 Việt Nam làm đại diện cho hình ảnh của UNFPA trong chiến dịch chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn HAGL đã ngay lập tức đồng ý cho các cầu thủ làm đại sứ. Ông cho rằng các cầu thủ của mình phải hướng đến và làm gương cho giới trẻ về nhận thức bình đẳng giới. 
Tuyển mộ đội ngũ các thiếu niên có tài năng bóng đá trên khắp cả nước với tỉ lệ chọn một người trên cả nghìn người, HAGL chắc chắn không chỉ muốn có những cầu thủ tương lai đá bóng giỏi mà sâu sắc và bền vững hơn, đó là những tài năng được rèn luyện về nhân cách.
Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cũng có những kỷ niệm riêng với đội bóng HAGL trong công cuộc chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái. 
Theo bà Vân Anh, không phải đội bóng nào, hay đơn giản là tổ chức chuyên môn nào cũng dễ dàng đồng ý tham gia các hoạt động xã hội làm tốn thời gian, công sức của các thành viên, nhất là những đơn vị mà lịch thi đấu, áp lực thành tích chiếm nhiều thời gian, công sức. Nhưng thực sự, nếu muốn xây dựng một thế hệ trẻ không chỉ có tài năng mà còn có tâm huyết với đất nước và có trách nhiệm với xã hội thì việc đóng góp tiếng nói vì một xã hội lành mạnh và tiến bộ là cách làm bền vững.
Lãnh đạo CSAGA và lãnh đạo Học viện HAGL - Arsenal JM đã có cuộc thảo luận nhằm hướng tới những hợp tác bền vững và lâu dài hơn vì một xã hội không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Đào tạo một thế hệ cầu thủ chuyên nghiệp có thể hòa nhập với thế giới một cách tự tin, trưởng thành không thể thiếu được việc bồi dưỡng các giá trị tốt đẹp và phổ quát - đó là tinh thần chung được cả CSAGA và HAGL thống nhất.