Công tác công chứng và chứng thực: Gần dân để thuận lợi cho dân

Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng và tổng kết công tác Chứng thực đã được Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (12/3) theo hình thức trực tuyến tại 5 điểm cầu (TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, TP.Cần Thơ và tỉnh Yên Bái) để tìm những giải pháp thực hiện tốt hơn nữa công tác công chứng, chứng thực, cũng như xác định những định hướng lớn cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng và xây dựng dự án Luật Chứng thực.

Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng và tổng kết công tác Chứng thực đã được Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (12/3) theo hình thức trực tuyến tại 5 điểm cầu (TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, TP.Cần Thơ và tỉnh Yên Bái) để tìm những giải pháp thực hiện tốt hơn nữa công tác công chứng, chứng thực, cũng như xác định những định hướng lớn cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng và xây dựng dự án Luật Chứng thực.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TƯ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các Sở Tư pháp, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng…

Phát huy vai trò “lá chắn” an toàn pháp lý

Công chứng và chứng thực là hai chế định pháp luật quan trọng, có liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đồng thời cũng là công cụ phục vụ đắc lực công tác quản lý của nhà nước. Qua 5 năm thực hiện Luật Công chứng và Nghị định số 79 và các văn bản pháp luật có liên quan có thể thấy hoạt động công chứng, chứng thực đã có những bước chuyển biến rõ rệt.

Không thể phủ nhận công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu “gánh nặng” pháp lý cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự” là đánh giá chung của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, các tổ chức hành nghề công chứng và các Bộ, ngành liên quan về kết quả thu được qua 5 năm thi hành Luật Công chứng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Việc ban hành Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về công chứng, chứng thực, tạo cơ sở pháp lý cho việc xã hội hóa một bước hoạt động công chứng, tạo điều kiện cho việc phát triển công chứng theo hướng chuyên nghiệp hóa, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời đưa hoạt động chứng thực đi vào nền nếp, hiệu quả hơn.

Tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng và tổng kết công tác chứng thực cần đánh giá những kết quả và yếu kém phải khắc phục trong hoạt động công chứng, chứng thực, xác định rõ những nhiệm vụ trong thời gian tới, đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc đối với các lĩnh vực công tác này, cũng như xác định những định hướng lớn cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng và xây dựng Luật Chứng thực”./.

Cũng theo các đại biểu, Luật Công chứng đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để hoạt động công chứng được phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, tác động tích cực đến kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp.

Dự thảo báo cáo tổng kết công tác chứng thực do Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh trình bày đã nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu.

 Theo đó, nhìn chung, công tác chứng thực từ khi triển khai thực hiện theo qui định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP đã có sự phát triển đáng kể, “đưa cơ quan thực hiện chứng thực xuống gần người dân hơn” khi qui định nguyên tắc “chứng thực không phụ thuộc vào nơi cư trú của người có yêu cầu”, giúp giảm thiểu thời gian đi lại và chờ đợi, đơn giản hóa đến mức tối thiểu việc xuất trình các giấy tờ tùy thân  của tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu chứng thực.

Phát triển “nóng” nên còn lúng túng

Tuy nhiên, đại diện các Sở Tư pháp và tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực làm giảm đáng kể hiệu quả của các hoạt động quan trọng này thời gian qua.

Như sự “phát triển nóng” của tổ chức hoạt động công chứng nhưng sự phân bố các tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa bàn còn chưa đồng đều nên chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch.

Bên cạnh đó, hoạt động của một số tổ chức hành nghề công chứng còn thiếu tính chuyên nghiệp, liên kết, đội ngũ công chứng viên phát triển còn thiếu tính qui hoạch.

Công tác quản lý còn sơ hở, lỏng lẻo thiếu chế tài mạnh để xử lý vi phạm trong hoạt động công chứng dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phần nào bị hạn chế…

Đối với chứng thực, qui định pháp luật điều chỉnh hoạt động này còn tản mạn, hiệu lực pháp lý chưa cao. Việc phân cấp hoạt động chứng thực chủ yếu căn cứ vào thực trạng cán bộ, chưa thực sự căn cứ vào tính chất hành vi, giá trị pháp lý của văn bản chứng thực.

 Một số vấn đề có liên quan trong mối quan hệ giữa công chứng, chứng thực, sự giao thoa giữa hai hoạt động này còn chưa được giải quyết triệt để dẫn tới sự lúng túng trong việc triển khai thực hiện…

Vì vậy, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực công chứng, chứng thực là yêu cầu khách quan để khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động công chứng, chứng thực.

Tạo chuyển biến về chất để khẳng định đúng vai trò, vị trí

Mong muốn tạo chuyển biến về chất để khẳng định đúng vai trò, vị trí của hoạt động công chứng, chứng thực, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh hơn nữa công tác này trong tình hình mới, đại diện các Sở Tư pháp, phòng Tư pháp, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng…  đã đưa ra nhiều giải pháp toàn diện về thể chế, nhân lực, sự phối hợp, quản lý, thanh tra, kiểm tra…

Đa số các đại biểu tán thành với những giải pháp mà Bộ Tư pháp đưa ra như hoàn thiện thể chế về công chứng, chứng thực và các qui định liên quan, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác chứng thực (đặc biệt ở cấp xã), công chứng viên, tập trung giải quyết những vướng mắc, những vấn đề còn điểm nghẽn như chứng thực chữ ký của người dịch, bản dịch, chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực, phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp công chứng, bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động chứng thực…

Những kiến nghị, giải pháp được đưa ra tại Hội nghị sẽ là cơ sở cho việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng và xây dựng Luật Chứng thực. Hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng và xây dựng Luật Chứng thực đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, trong đó Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng dự kiến sẽ được xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013)./.

* Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 33 tập thể và 28 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thi hành Luật Công chứng./.

Hương Giang

Đọc thêm