Giải quyết kịp thời những bức xúc chính đáng của nhân dân
Năm 2016, công tác dân vận đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Đại đa số nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Đại đoàn kết dân tộc, an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững. Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản đã tuân thủ quy định của pháp luật.
Biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân... đã nỗ lực, quyết tâm, chủ động làm tốt công tác dân vận trong thời gian qua, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý Ban Dân vận Trung ương tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân trong thời gian tới; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, làm việc, đền bù thu hồi đất, tai nạn giao thông, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tệ nạn xã hội. Trong xây dựng cơ chế, chính sách, cần quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: Mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, việc gì có lợi ích cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Các cấp ủy, tổ chức đảng coi trọng và thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Nhấn mạnh tới việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng các quy định để nhân dân được nhận xét, đánh giá, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; sớm mở rộng việc thực hiện quy định lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Quyết tâm trong giám sát và phản biện xã hội
Tại hội nghị, đánh giá kết quả 3 năm Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội) và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 3 năm qua, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã rất quyết tâm, chủ động và sáng tạo tổ chức các hoạt động, chương trình giám sát phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật MTTQ Việt Nam.
Trong 3 năm, MTTQ Việt Nam 3 cấp ở 63 tỉnh, thành phố đã triển khai hàng ngàn cuộc giám sát chuyên đề, nội dung giám sát tập trung vào việc người dân bức xúc như thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; việc cung cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh...
“Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền các địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp, bệnh viện, các trường đại học, viện nghiên cứu, các ngân hàng; kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện” - ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với MTTQ Việt Nam kiến nghị quy trình giám sát đối với tổ chức Đảng, đảng viên; có cơ chế, kế hoạch, định mức bố trí kinh phí phù hợp cho hoạt động giám sát và phản biện; có hình thức phù hợp để đưa các thông tin kết quả giám sát, phản biện đến với nhân dân. Quy định rõ thời hạn các cơ quan, đơn vị khi nhận được văn bản kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải có trách nhiệm giải quyết và trả lời chính thức...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, công tác dân vận năm 2017 phải gắn sát với quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tập trung vào các nội dung: tăng cường công tác dân vận của Đảng và chính quyền để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị…
Phải tăng cường tiếp xúc lắng nghe, đối thoại, trao đổi, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống; dành nhiều sự quan tâm hơn cho những người dân có khó khăn trong cuộc sống; củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận theo quan điểm tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân.