Ngoại giao kiến tạo đạt nhiều kết quả tốt
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong những thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại. Chúng ta cũng đã tạo dựng được sự đan xen lợi ích song phương giữa Việt Nam và các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tranh thủ được các nguồn lực quốc tế to lớn cho phát triển.
“Đan xen lợi ích giữa kinh tế với các vấn đề chính trị, an ninh đã giúp chúng ta hóa giải nhiều vướng mắc trong các quan hệ bằng cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt hơn. Chúng ta chủ động can dự thúc đẩy được “điểm đồng lợi ích” với các đối tác, giảm bất đồng, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, cùng có lợi, nhất là trong bối cảnh các nước lớn điều chỉnh mạnh về chính sách”, Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành đối ngoại, như vị thế địa chiến lược của Việt Nam chưa được khai thác tối đa, công tác nghiên cứu và dự báo đôi lúc còn bị động, chưa lường hết được một số biến động của khu vực và điều chỉnh chính sách của một số nước, chưa có nhiều đề xuất, sáng kiến mang tính chất đột phá đổi mới cho đất nước, cho Bộ Ngoại giao.
Việc phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động đối ngoại đôi khi còn rời rạc, chưa thực sự chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nỗ lực đổi mới ngoại giao kiến tạo phục vụ địa phương, người dân, doanh nghiệp mới là bước đầu, chưa tạo dựng được nền tảng vững chắc, lâu dài.
Ngoại giao phải thích ứng với tình hình mới
Trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển động nhanh, nhiều bất ổn khó lường, Thủ tướng đề nghị ngành Ngoại giao cần làm theo lời dạy “Dĩ bất biến - Ứng vạn biến” của Bác Hồ. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao cũng cần phối hợp liên ngành để tìm ra những phương thức sáng tạo, linh hoạt nâng cao vị thế quốc gia; khai thác những điểm thuận, khắc phục những điểm bất đồng và quan trọng là tạo ra các cơ hội gìn giữ hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển; phát huy, tạo lập và củng cố vị thế vị thế chiến lược của Việt Nam. Theo Thủ tướng, đây là một trong những ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước thời gian tới.
Thủ tướng cũng cho rằng công tác đối ngoại phải đóng góp tích cực cho phát huy nội lực, xây dựng nền kinh tế tự chủ và những nhân tố vững chắc cho nguồn lực quốc gia. “Đối ngoại phải đi trước, kịp thời, phát hiện vấn đề và kiến nghị giải pháp cho đất nước. Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế và sẽ cố gắng tìm những dư địa cho tăng trưởng xoay quanh 3 động lực: Nông nghiệp, công nghiệp và du lịch”, Thủ tướng nói.
Hoan nghênh chủ đề của Hội nghị năm nay đã xác định phương châm chủ động, sáng tạo, hiệu quả, chủ động trong đối ngoại, Thủ tướng cho rằng, không chỉ kịp thời tận dụng cơ hội thuận lợi, kịp thời ứng phó biến động mà ngoại giao cần hướng tới tính đi trước một nhịp để làm rất tốt công tác dự báo chiến lược, công tác tham mưu cho Chính phủ và cả các bộ, ngành.
“Sáng tạo trong đối ngoại chính là kiên định mục tiêu, nhưng linh hoạt trong sách lược, nhất là trong thế giới đang biến động rất nhanh chóng. Chính vì vậy, ngành Ngoại giao phải thích ứng với tình hình mới, sẵn sàng đổi mới tư duy để cung cấp những quan điểm, cách tiếp cận, giải pháp mới, không sa vào lối mòn”, Thủ tướng nói và khẳng định khi thực tiễn có biến đổi chưa có tiền lệ thì Chính phủ cũng sẵn sàng đón nhận những đề xuất mới chưa có tiền lệ.
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, công tác đối ngoại cần phát huy tinh thần hành động, phục vụ cho phát triển; phải chuyển hóa mạnh mẽ lợi thế quan hệ chính trị đối ngoại tốt đẹp của Việt Nam với các quốc gia, đối tác trở thành các cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế phục vụ phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác đối ngoại cũng cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới.
“Đây là một quan điểm, tinh thần chỉ đạo mới cần quán triệt. Các đại sứ cần mở hướng mới, vận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp, vận động kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ xây dựng đất nước một cách thiết thực nhất, đặc biệt là phân phối hàng hóa của Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ.
Trong khuôn khổ phiên họp, Hội nghị cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện các địa phương, doanh nghiệp, Đại sứ Việt Nam tại các nước… trình bày các tham luận liên quan đến chủ đề chung.