Góp phần hiệu quả trong kiện toàn các tổ chức pháp chế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ nhiệm VPCP Cao Huy nhận định: Trong những năm qua, nhìn một cách tổng thể, việc tổ chức, thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế đã đạt được những kết quả quan trọng.
Sau 10 năm, việc triển khai Nghị định này đã góp phần kiện toàn các tổ chức pháp chế tại các bộ, cơ quan đi vào hiệu quả, xây dựng được đội ngũ người làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật vững mạnh, chuyên nghiệp, chuyên môn chuyên sâu hơn. Công tác pháp chế nói chung và công tác pháp chế của các bộ, ngành với những đóng góp âm thầm, đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng của bộ, ngành và Chính phủ.
Phó Chủ nhiệm VPCP Cao Huy đánh giá cao vai trò quản lý nhà nước về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp. |
“Chúng tôi trân trọng và đánh giá cao vai trò quản lý nhà nước về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp đã triển khai tích cực và có hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc công tác củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế các bộ, ngành”, ông Huy nhấn mạnh và thống nhất với nhận định: công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật và tổ chức thực hiện công tác pháp chế vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Cụ thể, công tác pháp chế có nơi chưa được quan tâm đúng mức cả về vai trò, vị trí, tổ chức, con người; việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo Nghị định 55 còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật…
Đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động xây dựng pháp luật và công tác pháp chế, tổ chức thi hành pháp luật còn mỏng về số lượng, một bộ phận còn phải kiêm nhiệm, năng lực chưa tương xứng với yêu cầu công việc. Nguồn lực dành cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Các đồng chủ trì Hội nghị. |
Trước thực trạng nói trên, cuối tháng 11/2020 vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về công tác xây dựng pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Sau Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Trong đó đã khẳng định nhiệm vụ mà những người làm pháp chế, xây dựng pháp luật cần quán triệt và triển khai thực hiện.
Vì vậy, ông Huy hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị và mong muốn được lắng nghe những đánh giá, phân tích, giải pháp của các tổ chức pháp chế, đội ngũ người trực tiếp làm công tác pháp chế về các vấn đề này, làm cơ sở, luận cứ xác đáng cho việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 55, triển khai nhiệm vụ công tác pháp chế năm 2021 gắn với triển khai thi hành Chỉ thị 43.
Mong được quan tâm về phụ cấp làm công tác pháp chế
Trên cơ sở gợi ý của ông Cao Huy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn đồng tình cho rằng, việc ban hành Nghị định 55 đã tạo ra hành lang pháp lý cơ bản, quan trọng, đồng bộ, thống nhất cho tổ chức, hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh nói chung (trong đó có Bộ Nội vụ) và tổ chức pháp chế nói riêng.
Ông Phan Trung Tuấn nêu hai hạn chế lớn trong thực hiện Nghị định 55. |
Ông Tuấn bổ sung, các tổ chức pháp chế, đặc biệt là tại các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh ngày càng được xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thì việc thành lập tổ chức pháp chế (Phòng Pháp chế) riêng ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh tại thời điểm này rất khó khăn và khó bảo đảm tính khả thi. Thực tế hiện nay cho thấy hầu hết các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đã hợp nhất, sáp nhập Phòng Pháp chế với các phòng chuyên môn khác. Hơn nữa, việc quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề của công chức, cán bộ và viên chức pháp chế quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 55 đến nay chưa thực hiện được.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Báo cáo Hội nghị một số kết quả đạt được, hạn chế trong công tác pháp chế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Mai Hiên tập trung kiến nghị các giải pháp để tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế nhằm thực hiện toàn diện, hiệu quả công tác pháp chế theo Nghị định 55.
Cụ thể, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Tư pháp và VPCP để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường nguồn lực (nhân lực, kinh phí) thực hiện hiệu quả tất cả các nhiệm vụ pháp chế, ưu tiên các nhiệm vụ xây dựng văn bản; hợp tác quốc tế về pháp luật (hội nhập quốc tế) và tham gia giải quyết vấn đề liên quan tới tố tụng. Đồng thời, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của tổ chức pháp chế cần tiếp tục được hoàn thiện, kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, theo đó cần nghiên cứu sớm sửa đổi Nghị định 55, trong đó phụ cấp làm công tác pháp chế cần được quan tâm.
Bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, xây dựng Nhà nước pháp quyền là mục tiêu và nhiệm vụ lớn nêu tại Đại hội XIII. Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề mạnh mẽ đối với xây dựng thể chế pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật. “Trong bối cảnh đó, công tác pháp chế với các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được nêu tại Nghị định số 55 sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội khẳng định vị thế quan trọng của mình. Vấn đề ở đây phụ thuộc nhiều vào chính chúng ta, những người làm công tác pháp chế có biết tranh thủ cơ hội này không”, Thứ trưởng Ngọc trăn trở.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu bế mạc Hội nghị. |
Để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác pháp chế, Thứ trưởng Ngọc đề nghị các tổ chức pháp chế cần chủ động, tích cực tham mưu cho lãnh đạo các bộ, ngành các vấn đề liên quan đến xây dựng, hoàn thiện pháp luật trên cơ sở làm tốt công tác rà soát pháp luật, bám sát thực tiễn, những vấn đề vướng mắc, khó khăn; thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành mình để có đầy đủ cơ sở thực tiễn cho các đề xuất hoàn thiện pháp luật. Ngoài ra, quan tâm xây dựng, thu hút, sử dụng và giữ đội ngũ chuyên gia pháp luật giỏi về chuyên môn, có đầy đủ kỹ năng cần thiết, tư duy pháp lý hiện đại để có thể đảm đương được khối lượng công việc ngày càng nặng nề, tính chất ngày càng phức tạp.
Riêng đối với pháp chế sở, ngành thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức pháp chế bộ, ngành ở Trung ương cần quan tâm, có ý kiến, tham mưu xây dựng tổ chức bộ máy và con người phù hợp, nhất là trong các lĩnh vực nóng của đời sống kinh tế-xã hội. Quan trọng nữa là cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành công tác pháp chế, giữa Bộ Tư pháp với các tổ chức pháp chế; chủ động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
“Bộ Tư pháp với sứ mệnh giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật sẵn sàng tạo thuận lợi, đồng hành cùng các tổ chức pháp chế”, Thứ trưởng Ngọc cam kết.
Nhân dịp Hội nghị, Phó Chủ nhiệm VPCP Cao Huy và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc giai đoạn 2016-2021 và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp.