Triển khai luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9: Phải hoàn thành các văn bản hướng dẫn trong tháng 3/2025

(PLVN) -  Chiều 7/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục dành ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực con người, thời gian và tài chính cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục dành ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực con người, thời gian và tài chính cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Hội nghị do Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) và các cơ quan liên quan tổ chức; được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Coi trọng công tác truyền thông chính sách

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đã quán triệt nội dung về kết quả hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Báo cáo tóm tắt của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được QH khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trình bày các báo cáo chuyên đề và phát biểu, thảo luận.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, kết quả công tác xây dựng pháp luật, trình QH ban hành các luật, nghị quyết tại Kỳ họp bất thường vừa qua cho thấy, việc khó nhưng nếu chúng ta quyết tâm, mạnh dạn làm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị thì cũng làm được.

Đánh giá Hội nghị đã thống nhất, đồng tình rất cao với các báo cáo, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tổ chức thực hiện thật tốt các luật, nghị quyết được QH thông qua, tinh thần là “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, QH đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Thủ tướng Chính phủ đã giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực, các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo khẩn trương xây dựng, lấy ý kiến, hoàn thiện, ban hành và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết vừa được thông qua, với yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 3/2025; đồng thời hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn khác còn nợ đọng chậm nhất trong tháng 4/2025.

Theo Thủ tướng, quá trình thực hiện, triển khai các luật, nghị quyết sẽ có những vấn đề nảy sinh, vì có nhiều vấn đề mới, khó, quy định thí điểm, vì vậy cần chú ý lắng nghe ý kiến phản hồi, góp ý của những người thực thi, các đối tượng tác động, các nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan phải coi trọng công tác truyền thông chính sách; các cơ quan truyền thông, báo chí phải tích cực vào cuộc hơn nữa, nhất là phân tích những vấn đề mới, khó, phản ánh những bất cập, vướng mắc, đề xuất, ý kiến của những người thực thi chính sách.

Dự kiến sẽ dành gần 10.000 tỷ đồng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW

Thủ tướng lưu ý cần phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật, với tinh thần đặt cái chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, tháo gỡ được các vướng mắc, huy động được nguồn lực, mục tiêu cuối cùng là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, các cơ quan liên quan, các địa phương tiếp tục dành ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực con người, thời gian và tài chính cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp cho những người làm công tác này.

Dẫn vướng mắc từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành về phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh cần quán triệt sâu sắc để triển khai thật tốt quan điểm xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, nhưng đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; thể chế là nguồn lực và là động lực, thể chế vừa tạo ra động lực, vừa tạo ra nguồn lực; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, phải xứng đáng với công sức, tâm huyết, chất xám, trí tuệ của những người làm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đồng thời, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; phát huy tối đa sự chủ động, sức sáng tạo của từng cá nhân, tập thể, chủ thể; chú ý lắng nghe ý kiến của đối tượng tác động, những người làm thực tiễn, người dân, doanh nghiệp và tham khảo kinh nghiệm, kiến thức quốc tế (như về đường sắt tốc độ cao, nhà máy điện hạt nhân…).

Riêng về thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng cho biết dự kiến sẽ dành khoảng gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để đáp ứng yêu cầu bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách năm nay cho lĩnh vực này, cùng với các nguồn khác như phát hành trái phiếu, điều chuyển nguồn vốn từ nơi này sang nơi khác… Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải xây dựng đề án, dự án cụ thể để Chính phủ bố trí ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh báo cáo tại phiên họp. (Ảnh trong bài: VGP/Nhật Bắc)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh báo cáo tại phiên họp. (Ảnh trong bài: VGP/Nhật Bắc)

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã chia sẻ về những điểm mới, nội dung trọng tâm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; việc chuẩn bị nguồn lực cho công tác triển khai thi hành.

Thông tin về việc Tổ chức rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Thời gian hoàn thành việc rà soát trước ngày 19/5/2025, Bộ trưởng cho biết, ngày 6/3/2025, Bộ Tư pháp có Công văn số 1253/BTP-KTVB&QLXLVPHC gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm tập trung nguồn lực tổ chức rà soát, xác định chính xác văn bản QPPL chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, phương án xử lý văn bản QPPL chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại các tài liệu được gửi kèm theo Công văn 1253 và chịu trách nhiệm về kết quả rà soát văn bản do Bộ, ngành, địa phương mình thực hiện. UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát văn bản QPPL thuộc trách nhiệm rà soát của UBND cấp huyện, gửi kết quả rà soát về UBND cấp tỉnh để tổng hợp chung.

Đọc thêm