Khắc phục tình trạng chồng chéo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, thời gian qua, công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước đã được duy trì thực hiện thường xuyên và đạt kết quả tích cực, với những phương thức, hình thức phối hợp cụ thể.
Tuy nhiên, công tác phối hợp trong một số lĩnh vực còn chậm đổi mới, một số nội dung, lĩnh vực hoạt động có hiệu quả phối hợp chưa cao; công tác phối hợp thực hiện tốt ở cấp Trung ương nhưng ở địa phương nhìn chung chưa chặt chẽ.
Góp ý tại Hội thảo, PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, công cuộc đổi mới ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, yêu cầu về dân chủ của các tầng lớp nhân dân ngày càng đa dạng, phong phú, do đó đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; nâng cao chất lượng sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các cơ quan nhà nước.
Sự phối hợp này cần bám sát yêu cầu đổi mới của cả hệ thống chính trị đặt ra cho mỗi thời kỳ khác nhau, cập nhật những yêu cầu đó một cách nhịp nhàng, bảo đảm tính đồng bộ, không tụt hậu, không thoát ly thực tế đổi mới của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, mọi nội dung và hình thức phối hợp đều nhằm mục đích tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, được nhân dân đồng tình và ủng hộ, không vì mục đích nào khác.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, sự đổi mới ở đây không phải là việc thay hoàn toàn cái cũ bằng cái mới một cách máy móc, cơ học mà phải có tính kế thừa, chọn lọc những “hạt nhân hợp lý” của cái cũ để làm nên cái mới đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn.
Để công tác phối hợp này được đổi mới, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay, PGS.TS Lê Bá Trình đề xuất, cần chú trọng đổi mới về phương thức, hình thức và phạm vi phối hợp; xác định việc phân cấp, phân quyền phối hợp giữa MTTQ Việt Nam các cấp với các cơ quan nhà nước một cách rõ ràng, hợp lý, khắc phục tình trạng chồng chéo lẫn nhau.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; quy định cụ thể chủ thể chủ trì phối hợp, phân rõ vai trò trong thực hiện phối hợp; kết hợp giải quyết việc pháp luật chưa có quy định cụ thể về phân cấp trong cơ chế phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan nhà nước ở Trung ương.
Đề cập tới hoạt động phản biện xã hội, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Vì vậy, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước trong thực hiện phản biện xã hội là việc làm cần thiết.
Ngoài ra, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh hoạt động phản biện xã hội, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước. Theo đó, cùng với xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong công tác phối hợp, MTTQ Việt Nam cần chú trọng đến vấn đề con người.
Cụ thể, cần lựa chọn những cá nhân ưu tú để giám sát, lựa chọn đúng người để phối hợp, hội tụ đầy đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tham gia giám sát với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, qua đó mang lại hiệu quả cao trong việc phối hợp giám sát giữa MTTQ Việt Nam và cơ quan nhà nước, tránh lãng phí thời gian cũng như tiết kiệm nguồn lực cho Nhà nước.
Coi trọng kiểm tra, giám sát
Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cho rằng, các ý kiến đã khẳng định việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước là yêu cầu tất yếu khách quan để phù hợp với quá trình đổi mới hệ thống chính trị và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, sự phối hợp hoạt động giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, bám sát yêu cầu đổi mới của cả hệ thống chính trị; trong quá trình phối hợp phải giữ vững tính độc lập của từng cơ quan, tổ chức, bảo đảm tính bình đẳng, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau theo quy định của pháp luật. Coi trọng việc cung cấp thông tin, tăng cường đối thoại, luôn đổi mới nhưng bảo đảm sự kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình phối hợp.
Cùng với đó, MTTQ Việt Nam và các cơ quan nhà nước cần quan tâm lựa chọn các nội dung, vấn đề phối hợp sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên trong giai đoạn mới. Tiếp tục quan tâm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nội dung phối hợp để phát huy vai trò, quyền và trách nhiệm của mỗi bên, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhân dân của Nhà nước và của MTTQ Việt Nam.
Theo ông Phùng Khánh Tài, cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các cơ quan nhà nước ở cấp Trung ương và giữa Trung ương với địa phương một cách rõ ràng, hợp lý. Chú trọng “phân vai” giữa nhiệm vụ quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam để khắc phục tình trạng không rõ trách nhiệm hoặc còn chồng chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò chủ trì, sự chủ động của MTTQ Việt Nam đối với những hoạt động liên quan đến nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp…
Đặc biệt, cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình phối hợp giữa hai bên; chú trọng việc đánh giá, sơ, tổng kết việc thực hiện các Quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp để kịp thời phát hiện, đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp.