Công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại Hải Phòng ngày càng hiệu quả

(PLVN) -  Ngày 31/7, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng của TW làm việc với Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại TP Hải Phòng. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng là Trưởng đoàn và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng là Phó trưởng đoàn kiểm tra.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Chất và lượng đều tăng

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh cho biết, sau hơn 05 năm triển khai Thông tư liên tịch số 10 ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, TANDTC, VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng tại TP Hải Phòng đã đạt được những kết quả nhất định. Vì vậy, số lượng vụ việc TGPL ngày càng tăng, chất lượng dịch vụ TGPL được nâng lên, nhiều vụ việc tham gia tố tụng đề xuất của người thực hiện TGPL được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL.

Ngay sau khi Luật TGPL năm 2017, Thông tư liên tịch số 10 có hiệu lực, các cơ quan TW đã ban hành văn bản triển khai đến các cơ quan, đơn vị thuộc ngành để thực hiện hiệu quả các quy định về phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng. Tại Hải Phòng, quy chế phối hợp giữa các ngành thành viên trên địa bàn cũng nhanh chóng được ký kết, chú trọng việc giải thích quyền được TGPL cho tất cả người tham gia tố tụng và công tác phối hợp với Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm trong việc giới thiệu, chuyển gửi vụ việc.

Đại diện Công an TP Hải Phòng mong muốn hoạt động phối hợp được đổi mới hơn.

Đại diện Công an TP Hải Phòng mong muốn hoạt động phối hợp được đổi mới hơn.

Sau 05 năm triển khai, nhận thức của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan về công tác TGPL tại TP Hải Phòng ngày càng được nâng cao, do đó, sự phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Các cơ quan, người tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL thực hiện các quyền do Luật định khi tham gia tố tụng.

Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của Hải Phòng ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng; tích cực, chủ động trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng, từng bước góp phần cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng của TP làm sáng tỏ nhiều vụ án phức tạp, bảo đảm quyền và lợi ích của người được TGPL.

Tuyên truyền về công tác TGPL tại Hải Phòng.

Tuyên truyền về công tác TGPL tại Hải Phòng.

Chất lượng các vụ việc TGPL ngày càng nâng cao, nhận được sự phản hồi tích cực của người được TGPL. Sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý trong nhiều vụ việc tham gia tố tụng là các đối tượng đặc thù như: trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người khuyết tật..., đã thể hiện được kinh nghiệm và bản lĩnh của trợ giúp viên pháp lý trong việc góp phần đảm bảo giải quyết các vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

Nguồn kinh phí cho TGPL chưa cao

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh cũng chỉ ra rằng công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại Hải Phòng cũng còn một số hạn chế. Người tiến hành tố tụng trong một số trường hợp mới chỉ chú trọng đến việc phát hiện và giải thích về quyền được TGPL cho đối tượng thuộc diện TGPL là người bị kiến nghị khởi tố, người bị tố giác, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, bị hại và các đương sự khác trong vụ án hình sự mà chưa thực sự quan tâm đến các đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính và lao động.

Kinh phí chi trả cho vụ việc còn thiếu so với số lượng vụ việc thực hiện TGPL tăng cao. Riêng năm 2022, số vụ việc tăng 115 vụ việc so với tổng số vụ việc thụ lý của cả 3 năm 2019, 2020, 2021 (860 vụ việc). Công tác truyền thông về TGPL còn chưa đến được với nhiều người dân. Một số vụ việc có người thuộc diện TGPL được TAND TP Hải Phòng giải thích về TGPL chưa được ghi nhận đầy đủ tại vào sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên một phần cũng xuất phát từ nguồn kinh phí được cấp còn chưa tương xứng với số lượng vụ việc TGPL đã tăng lên nhiều và nguồn nhân lực thực hiện TGPL còn hạn chế.

Năm 2022, theo thống kê số liệu về nhu cầu TGPL tại Hải Phòng là 290.932 người (chiếm tỷ lệ 14,1% dân số). Hải Phòng cũng là địa phương có số lượng án thụ lý lớn. Ngày 08/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2070/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó xác định Trung tâm TGPL là đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu được nhà nước bảo đảm về kinh phí. Do đó, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đề nghị Thường vụ Thành ủy chỉ đạo UBND TP Hải Phòng bảo đảm ổn định và đủ nguồn lực đáp ứng đầy đủ, chất lượng nhu cầu TGPL của người dân.

Tại buổi làm việc, đại diện VKS, TAND, Sở Tư pháp, CATP Hải Phòng đều nhất trí với kết luận dự thảo kiểm tra liên ngành đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới hình thức hoạt động phối hợp trong thời gian tới và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Để hoạt động phối hợp được hiệu quả hơn, Sở Tư pháp TP đề xuất xây dựng điểm cầu thành phần tại Trung tâm TGPL nhà nước TP để tham gia phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế quản lý và đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động TGPL, trong đó chú ý đến yếu tố đặc biệt của hoạt động TGPL là loại hình cung cấp dịch vụ công và TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, đây là hoạt động hoàn toàn không có thu, người được TGPL hoàn toàn được miễn phí.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định Hải Phòng là một trong những TP thực hiện tốt chính sách an ninh xã hội, trong đó TGPL là một trong những hoạt động được quan tâm đặc biệt. Ngoài việc cần xem xét bố trí kinh phí cho hoạt động phối hợp, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các hoạt động kiểm tra các đơn vị cần thực chất hơn, nhất là đối với hồ sơ các vụ án có đối tượng TGPL; kịp thời phản ánh những khó khăn của địa phương về Hội đồng TW. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị thời gian tới các ban ngành cần triển khai có hiệu quả hơn nữa Chương trình phối hợp số 1603 giữa Bộ Tư pháp và TANDTC và Quy chế phối hợp số 01/QCPH.

Tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh: Những năm gần đây, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, kể cả COVID-19, tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng luôn ở mức cao, có được kết quả đó nhờ sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của các bộ ngành TW. Liên quan đến hoạt động TGPL, Hải Phòng đã tập trung cao trong việc chỉ đạo kiện toàn hội đồng, ban hành quyết định về quy chế, tập huấn, hướng dẫn cho nhân dân. Hàng năm, Hải Phòng đều bố trí nhân lực và kinh phí triển khai thực hiện đầy đủ. Qua buổi làm việc, Hải Phòng tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đoàn, chỉ đạo các cơ quan liên quan chỉ đạo, thanh kiểm tra kỹ càng để hoạt động phối hợp ngày một hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng kết luận buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết để tăng cường phối hợp trong việc tạo điều kiện cho người được TGPL biết và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời ngay tại giai đoạn đầu trong quá trình tố tụng hình sự, góp phần bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của họ, hạn chế bỏ sót đối tượng thuộc diện TGPL, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đang xây dựng dự thảo chương trình phối hợp về việc người thực hiện TGPL trực trong điều tra hình sự, dự kiến ban hành trong năm 2023.

“Hội đồng phối hợp TP Hải Phòng cần có giải pháp chuyên biệt hơn nữa để người dân nói chung và người tham gia tố tụng nói riêng biết đến TGPL. Trong tố tụng dân sự, đề nghị các cán bộ toà án tập trung hơn nữa cho việc giải thích quyền được TGPL, về trình tự thủ tục TGPL cho đương sự trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính”, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hải Phòng được giao 22 biên chế sự nghiệp nhưng hiện nay có 19 biên chế và 02 hợp đồng lao động, trong đó có 17 trợ giúp viên pháp lý, không có chuyên viên pháp lý. Số lượng người làm việc tại Trung tâm còn mỏng so với khối lượng công việc và yêu cầu đáp ứng nhu cầu được TGPL của người dân trên địa bàn. Trung bình mỗi trợ giúp viên pháp lý thực hiện 55 vụ việc tham gia tố tụng/năm (chưa tính các vụ việc tư vấn và đại diện ngoài tố tụng). Trong khi đó, số lượng án trên địa bàn ngày càng tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Ngày 28/6/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long– Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương đã có Quyết định số 1193 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở tỉnh Hưng Yên và TP Hải Phòng.Mục đích của việc kiểm tra nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật TGPL và các đạo luật tố tụng tư pháp, thi hành án; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp tại địa phương, triển khai thêm một số hoạt động mới như phiên tòa trực tuyến; tổ chức người thực hiện TGPL trực tại Tòa án; Góp phần đẩy mạnh công tác tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí cho người dân nhanh chóng, kịp thời…

Đọc thêm