Hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về THADS
Báo cáo khẳng định, năm 2018, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 với những chuyển biến tích cực. Tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2017 (tăng 5,06% về việc và 13,32% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 200 nghìn tỷ đồng) song các cơ quan THADS đã thi hành xong với tỷ lệ cao.
Cụ thể, về việc, trong số có điều kiện thi hành (gần 712 nghìn việc) đã thi hành xong gần 572 nghìn việc, đạt tỷ lệ 80,3%. Về tiền, trong số có điều kiện thi hành (hơn 90 nghìn tỷ đồng) đã thi hành xong hơn 34,5 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,35%.
Chỉ tiêu về số chuyển kỳ sau cũng đã được giảm. Về việc, tổng số việc chuyển kỳ sau là 342.375 việc, trong đó, số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 140.282 việc, so với số việc có điều kiện thi hành năm 2017 giảm 3.567 việc (giảm 2,48%). Tổng số tiền chuyển kỳ sau là gần 141 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong gần 55,5 nghìn tỷ đồng, so với số tiền có điều kiện thi hành năm 2017 đã giảm hơn 1,2 nghìn tỷ đồng (giảm 2,24%).
Hệ thống THADS còn chú trọng vào công tác xác minh, phân loại án, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn KT - XH của đất nước. Công tác theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 tiếp tục được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy các cơ quan THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính không ngừng được tăng cường…
Có thể nói, công tác THADS tiếp tục có những tiến bộ. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT - XH của đất nước và từng địa phương.
Đã tập trung chỉ đạo giải quyết án kinh tế, tham nhũng
Trong những kết quả nổi bật của công tác THADS phải kể đến việc thi hành các vụ việc trọng điểm, án kinh tế, tham nhũng đã được tập trung chỉ đạo giải quyết. Theo đó, Chính phủ luôn xác định thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án trọng điểm, án kinh tế, tham nhũng lớn là một vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như vụ Vinalines, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Công ty đầu tư tài chính II, Vụ Phạm Công Danh, vụ Phạm Thị Bích Lương, vụ Giang Kim Đạt, vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Hà Văn Thắm đã được đưa ra xét xử.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch giải quyết, thành lập các Tổ công tác; tổ chức các buổi họp liên ngành, ban hành Công điện đôn đốc và tổ chức các buổi làm việc với các địa phương đang giải quyết các vụ việc. Sau khi nhận được bản án có hiệu lực pháp luật, các cơ quan THADS đã tiến hành thụ lý và tập trung tổ chức thi hành án.
Mặc dù các cơ quan THADS có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng quá trình tổ chức thi hành đối với các vụ việc loại này còn bộc lộ một số vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành các vụ việc này.
Chẳng hạn, điều kiện thi hành án trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn gặp nhiều khó khăn do việc truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn tố tụng còn hạn chế; số tiền phải thi hành lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp; đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án.
Tình trạng pháp lý của tài sản thì chưa rõ ràng, tài sản chưa có đủ giấy tờ thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án; tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác mà chưa xác định rõ phần tài sản của từng người, tài sản có biến động về hiện trạng, diện tích; tài sản là dự án chưa thực hiện xong việc đền bù, giải tỏa hoặc đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn không chuyển đi...
Không những thế, có thực trạng tài sản bảo đảm thi hành án nằm rải rác ở nhiều địa phương, trong khi chưa có cơ chế xử lý đồng bộ, dẫn đến chưa giải quyết kịp thời được các tài sản này, làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản và tiến độ thi hành án. Mặt khác, cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, việc sử dụng tiền mặt còn khá phổ biến khiến cho việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.