Ngoài ra, chuyện bồi thường oan sai cho người tù oan “xuyên thế kỷ” Huỳnh Văn Nén rồi đơn thư khiếu nại về cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho cựu điều tra viên Cao Văn Hùng hay triển khai cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh… cũng là những nội dung “nóng” trong buổi họp báo. Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp này.
Hai điều kiện quan trọng để “thoát” án tử
Để triển khai thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) và Nghị quyết 109 của Quốc hội về việc thi hành BLHS, Chánh Văn phòng Bộ Trần Tiến Dũng cho biết, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành BLHS. Trong đó, có nội dung rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc trường hợp quy định tại Nghị quyết 109 để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa thì bổ sung, Bộ Tư pháp chỉ làm đầu mối việc rà soát và trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch nhằm định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Con số rà soát cụ thể như thế nào là chưa có nhưng từ ngày Bộ luật có hiệu lực thì phải thực hiện nên các bộ, ngành vẫn đang tích cực phối hợp rà soát.
Riêng với thắc mắc về việc Dương Chí Dũng nộp tiền khắc phục hậu quả liệu có được giảm án tử hình xuống chung thân, bà Thoa nêu rõ, theo quy định chung phải có được hai điều kiện quan trọng hàng đầu gồm người bị kết án tử hình phải khắc phục hậu quả được 3/4 và phải lập được công lớn như tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn thông tin thêm, căn cứ vào bản án đã tuyên, Dương Chí Dũng phải nộp 218 triệu đồng án phí hình sự và phải bồi thường 110 tỷ đồng, đến nay mới tự nguyện khắc phục 5,2 tỷ đồng, trong đó phần án phí được cơ quan thi hành án ưu tiên giải quyết trước. Có thể thấy rõ ràng khoản tiền khắc phục hậu quả của Dương Chí Dũng còn quá khiêm tốn và như thế “cửa thoát” án tử là quá hẹp.
Thí điểm cấp số định danh khi đăng ký khai sinh đến hết tháng 3/2016
Về vụ người tù oan thế kỷ Huỳnh Văn Nén có đơn xin tạm ứng 1 tỷ đồng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng chia sẻ: Theo quy định hiện hành, không có quy định nào về việc trước khi thụ lý hồ sơ thì cơ quan nhà nước sẽ tạm ứng cho người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại chỉ được tạm ứng khi nộp đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường, sau khi các cơ quan nhà nước và cơ quan có trách nhiệm bồi thường thỏa thuận xong và đã có quyết định bồi thường. Nếu số tiền bồi thường nhỏ, nằm trong khả năng của cơ quan đó thì có thể ứng trước để chi trả, sau đó lập hồ sơ gửi Bộ Tài chính hoàn trả lại số tiền đã tạm ứng.
Liên quan đến vụ việc của ông Nén, báo chí đã phản ánh dư luận bất bình về cựu điều tra viên Cao Văn Hùng, điều tra viên chính trong vụ án oan của ông Nén đang hành nghề luật sư, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai khẳng định: Quy trình cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho ông Hùng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trong suốt quá trình thẩm tra hồ sơ không nhận được đơn thư khiếu nại, bất lợi đối với ông Cao Văn Hùng. Tuy nhiên, qua thông tin báo chí rằng ông Hùng có hành vi khai man lý lịch trong quá trình làm kiểm lâm tại Bình Thuận thì Cục đã nắm bắt.
“Cục Bổ trợ tư pháp đang phối hợp nghiên cứu cụ thể, nếu ông Cao Văn Hùng thuộc trường hợp phải thu hồi chứng chỉ luật sư theo Điều 18 Luật Luật sư thì sẽ phối hợp với cơ quan liên quan xử lý theo đúng quy định của pháp luật”- bà Mai nhấn mạnh. Chánh Văn phòng Bộ Trần Tiến Dũng cũng đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp kiểm tra cụ thể, rà soát kỹ lưỡng để báo cáo đề xuất với lãnh đạo Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về sự việc này.
Đối với việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh đang được người dân rất mong chờ, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết: Từ ngày 1/1/2016 sẽ thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh tại 4 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cục vừa phối hợp tập huấn trực tuyến cho đội ngũ cán bộ của 4 thành phố trên.
Theo ông Khanh, thời gian thí điểm dự kiến kết thúc vào tháng 3/2016, các đơn vị của hai Bộ Tư pháp, Công an sẽ báo cáo hai Bộ trưởng để triển khai trên diện rộng. “Sở dĩ phải thí điểm vì các văn bản hướng dẫn Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân đều chưa có hiệu lực, cơ sở pháp lý cấp số định danh chưa chắc chắn” – ông Khanh lý giải.