Công ty đa cấp Vietway đang qua mặt cơ quan chức năng?

(PLO) - Không những mập mờ trong kinh doanh đa cấp, Vietway còn mập mờ trong quảng cáo thực phẩm chức năng mà chưa hề bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Sản phẩm Vietway tung ra thị trường bán dưới dạng đa cấp
Sản phẩm Vietway tung ra thị trường bán dưới dạng đa cấp

Cục An toàn thực phẩm ban hành “lệnh” cấm

Sản phẩm VH - Nanocurcumin của Công ty cổ phần hoá thực vật VH - Việt Nam (địa chỉ tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện chưa được cấp chứng nhận lưu hành sản phẩm cũng như chưa được cấp phép quảng cáo nhưng sản phẩm thực phẩm chức năng này đã được quảng cáo rầm rộ trên một số trang mạng.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, Ngay sau khi phát hiện hiện tượng này, Cục ATTP đã có văn bản số 3058/ATTP-TTr gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP trên địa bàn, chú trọng việc phân phối và quảng cáo sản phẩm này bằng hình thức bán hàng đa cấp.
Quá trình thanh tra, kiểm tra cần có sự phối hợp liên ngành, nếu phát hiện vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm, thực hiện công khai và thực hiện đúng quy định bao gồm cả việc thu hồi tiêu huỷ sản phẩm. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan điều tra.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không mua, không sử dụng sản phẩm Thực phẩm chức năng VH - Nanocurcumin của Công ty cổ phần hoá thực vật VH-Việt Nam khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.
Trên một số trang mạng đang rao bán sản phẩm VH-Nanocurcumin của Công ty cổ phần hoá thực vật VH-Việt Nam, do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Con đường Việt (Vietway) phân phối. Sản phẩm được ra giá 470 ngàn đồng/hộp 30 viên.
Lập lờ quảng cáo như thuốc chữa bệnh
Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp luật Việt Nam, tại địa chỉ website của Công ty Vietway (vietway.com.vn) có đăng tải công khai và rõ ràng video clip quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Vh-UBK. 
Video clip quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Vh-UBK (Ảnh chụp màn hình tối 15/12/2014).
Video clip quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Vh-UBK (Ảnh chụp màn hình tối 15/12/2014).
Trong video quảng cáo, Vietway dẫn lời ông Giáp Văn Chương (Xương Giang, Bắc Giang): “Tất nhiên là bệnh tật con người không thể tránh khỏi, nhưng phải nói rằng, tôi xin cám ơn các Giáo sư, Tiến sỹ Viện Hóa học Việt Nam đã sản xuất ra được những loại thuốc này (Vh-UBK - PV). Để những người như chúng tôi dùng thuốc này tăng thêm được tuổi thọ”.
Không dừng lại ở đó, người thực hiện video còn phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thoa (Bắc Giang). Bà Hoa nói: “Cách đây khoảng 4, 5 năm, tôi có kiểm tra sức khỏe, phát hiện có nhân sơ tử cung. Khi đó, tôi rất hoang mang, lo lắng, có tìm nhiều thứ thuốc để uống nhưng đều không đỡ. Gần đây, kính thước u sơ đã bé lại, đồng thời không có dấu hiệu viêm nhiễm. Tôi thấy thuốc này của Viện hóa là rất tốt”. 
Theo ông Phạm Hồng Thi (Bắc Ninh) nói trong video: “Tôi bị bệnh dạ dày đã 25 năm, đã uống rất nhiều thuốc và thực phẩm chức năng. Một buổi vô tình đến chơi nhà anh bạn, gặp một người tên Minh tự giới thiệu là làm tại đơn vị truyền thông một thuốc mới của Việt Nam. Ban đầu, tôi nửa tin nửa không. Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định dùng thử, thăm dò xem có đúng không. Tôi lấy 1 liều và uống đến ngày thứ 5 thì tôi tăng cường theo lời dặn của anh Minh. Tôi thấy có sự chuyển biến thật. Sang đến ngày thứ 10 thì tôi khẳng định là thuốc tốt?!”
Từ những dẫn chứng này có thể thấy, Vietway cố gắng quảng bá sản phẩm dưới hình thức lời cảm ơn của người bệnh. Tuy nhiên, ở đây, tất cả người bệnh đều khẳng định đây là thuốc có tác dụng điều trị nhiều bệnh về đường tiêu hoá, giúp tăng cân, trị u xơ tử cung, viêm nhiễm phụ khoa hay thậm chí là … gia tăng tuổi thọ (!?) mà không phải “thực phẩm chức nắng”. Đồng thời, đơn vị sản xuất thuốc lại là “Viện Hóa học Việt Nam” và các “nhà phát mình” là Giáo sư, Tiến sỹ ?!
Nếu chiếu theo Thông tư số 08/2013/TT-BYT về Hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, có thể thấy Vietway đã phạm luật.
Theo Điều 3, Thông tư số: 08/2013/TT-BYT: 
Các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm
1. Quảng cáo thực phẩm khi ch¬ưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
2. Quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng.
3. Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như¬ thuốc chữa bệnh.
4. Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm.
5. Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
6. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.
7. Các hành vi cấm khác đã được pháp luật về quảng cáo quy định.
Chưa cấp phép sao không bị xử lý?
Mới được thành lập từ tháng 5/2014 nhưng Vietway đã nhanh chóng "nổi danh" trên thị trường với hàng loạt sản phẩm được tự giới thiệu là “sản phẩm thuộc loại mạnh nhất trong hỗ trợ điều trị căn bệnh ung thư” như VH-Vương Cốt, VH-UBK, VH- CURCUMIN.
Các hoạt động tư vấn về sản phẩm đang diễn ra công khai, rầm rộ. Ông Trần Thanh Hải - Trưởng phòng Truyền thông của Vietway cho biết, hiện tại, do mới thành lập nên việc xin cấp phép bán hàng đa cấp của Vietway đang được tiến hành, các hoạt động liên quan đến bán hàng đa cấp đều mang tính “thí điểm”.
Mặc dù chỉ là “thí điểm”, nhưng chỉ tính riêng trong 2 tháng 8 và 9/2014, công ty này đã phát triển được trên 20 đại lý tại các tỉnh trong cả nước(tức nhà phân phối bán hàng) đạt điều kiện của công ty. Đến hết tháng 10/2014, công ty đã có 194 thành viên tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, trải khắp nhiều tỉnh thành trong cả nước. Các hoạt động hội thảo, đào tạo...diễn ra liên tục tại nhiều địa phương Hải Dương, Nghệ An, Hòa Bình…
Theo ông Nguyễn Đình Trung, giám đốc điều hành công ty Vietway, cũng thừa nhận, hiện tại công ty chưa có giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp nhưng đã và đang kinh doanh bán hàng đa cấp bình thường.
Theo điều tra của phóng viên PLVN, mặc dù không có văn bản ký kết nhưng công ty Vietway vẫn “ngầm” hỗ trợ các đại lý trên bằng sản phẩm, văn phòng, nhân viên tư vấn. Với sự hỗ trợ này, các nhà phân phối sản phẩm của Vietway đang ngang nhiên mở các đại lý tại nhiều tỉnh thành trong cả nước để bán hàng đa cấp trong khi chính Vietway cũng chưa được sự cấp phép của các cơ quan chức năng.
Thiết nghĩ, từ những vi phạm rõ ràng của Vietway trong thời gian qua, cơ quan chức năng cần vào cuộc và chấn chỉnh tình trạng này.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc./.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm