Qua ghi nhận tại thôn Đồng Thanh, xã Vạn Hòa (Nông Cống) vào đúng thời điểm cán bộ thôn đang đi vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí thôn kiểu mẫu, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Đồng Thanh Nguyễn Huy Phong niềm nở cho biết “Thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng NTM, đời sống của người dân không ngừng đổi thay từng ngày. Hệ thống kết cấu về hạ tầng kỹ thuật, xã hội được Nhân dân đóng góp đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại và đạt chuẩn. Trong đó, hạ tầng lưới điện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân. Các cháu có đủ điện sáng để học tập, điện chiếu sáng ngõ xóm, bảo đảm an ninh trật tự trong thôn”.
Được biết, trước kia hệ thống đường điện của xã Vạn Hòa là do nhân dân đóng góp làm từ những năm 1998 nên không theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Có nơi, điện áp cuối nguồn xuống dưới 100V, làm tổn thất điện năng của lưới điện hạ áp nông thôn rất cao. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hòa Đỗ Ngọc Long “Từ khi bàn giao về cho Điện lực Nông Cống quản lý, hệ thống điện lưới trên địa bàn xã đã được quan tâm cải tạo, đầu tư. Từ 2 trạm điện biến áp nay tăng lên 8 trạm, thay thế đường dây điện trần bằng dây bọc đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định”.
Cũng như xã Vạn Hòa, trước khi xây dựng NTM hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn xã Hoạt Giang (Hà Trung) bị xuống cấp nghiêm trọng, có nơi cuối nguồn, không cung cấp đủ điện cho nhân dân sản xuất, sinh hoạt. Ông Vũ Hùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Hoạt Giang, cho biết: Trong quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, 2 đơn vị ngành điện là Điện lực khu vực thị xã Bỉm Sơn - Hà Trung và Công ty Cổ phần Kinh doanh điện Thanh Hóa quản lý đã rất cố gắng trong việc củng cố lưới điện, đảm bảo cung cấp điện cho người dân, hoàn thành tiêu chí số 4 trong xây dựng NTM trên địa bàn xã.
Hiện, trên địa bàn xã có 8 trạm biến áp với tổng công suất 2.360kVA, có 8,426 km đường dây trung áp; tỷ lệ hộ dân dùng điện là 1.809 hộ (đạt 100%). Trong đó, các thôn thuộc Điện lực khu vực thị xã Bỉm Sơn - Hà Trung quản lý vận hành được Công ty Điện lực Thanh Hóa đầu tư thay thế toàn bộ dây điện trần bằng dây bọc, đầu tư 40 trạm biến áp với công suất 12.800kVA. Địa phương cũng vận động các nguồn xã hội hóa, người dân tham gia để thắp sáng điện đường, từ đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã từng bước được cải thiện.
Khảo sát thực tế tại một số đường điện, các trạm biến áp trên địa bàn huyện Hà Trung, những đường dây điện được công ty thay thế dây bọc cho dây trần, các trạm biến áp treo vừa bảo đảm vấn đề an toàn theo quy định vừa tạo mĩ quan trong tổng thể kiến trúc xây dựng của địa phương.
Theo ông Lê Nguyễn Phương Nam - Phó Giám đốc Điện lực khu vực thị xã Bỉm Sơn - Hà Trung, trước đây, khi chưa tiếp nhận, bàn giao cho ngành Điện quản lý, hệ thống điện trên địa bàn huyện Hà Trung chưa bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn cấp điện, chất lượng điện áp kém, nhất là vào giờ cao điểm, gây tổn thất điện năng rất cao, có thời điểm lên đến 12%.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhất là từ năm 2017 đến nay, Điện lực khu vực thị xã Bỉm Sơn - Hà Trung đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để nâng cấp lưới điện trên địa bàn huyện Hà Trung, trong đó đầu tư nâng cấp các lộ từ 10kV lên 22kV; thay dây dẫn có tiết diện lớn hơn trên trục đường dây 35kV như lộ 376, 374, 373, kết hợp di dời một số cột nằm trong đất của người dân đã kiến nghị. Đơn vị cũng đã cấy thêm gần 60 trạm biến áp, với công suất mỗi trạm từ 250kVA đến 320 kVA.
Từ khi Công ty Điện lực Thanh Hóa chính thức tiếp nhận và vận hành lưới điện hạ áp nông thôn. Tại thời điểm đó, do nguồn vốn hạn hẹp, lưới điện nông thôn phần lớn được xây dựng tự phát, chắp vá, nên hầu hết lưới điện không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn. Trong khi quá trình vận hành khai thác hầu như ít được nâng cấp, sửa chữa, cho nên lưới điện xuống cấp, chất lượng điện không đảm bảo, tổn thất điện năng khu vực nông thôn rất cao và đặc biệt gây mất an toàn.
Để thực hiện hiệu quả tiêu chí số 4 về Điện trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã chỉ đạo Điện lực các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân tham gia đóng góp công sức xây dựng cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” như: đóng góp công sức, tài chính và vật liệu để cải tạo lưới điện, thay thế dây dẫn trần bằng dây bọc cách điện.
Bên cạnh đó, ngành Điện cũng đã chủ động tận dụng các nguồn vốn đầu tư, các nguồn sửa chữa lớn hàng năm của ngành để nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn ở cả 27/27 huyện, thị xã, thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, ổn định. Qua đó góp phần hoàn thiện hạ tầng lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng trên địa bàn tỉnh.
Tính riêng trong năm 2022, Công ty được Tổng Công ty giao 90 dự án. Trong đó: Dự án chuyển tiếp từ năm 2021 sang:15 dự án; Dự án giao năm 2022: 58 dự án ( đợt 1 là 43 dự án; giao bổ sung là 15 dự án); Dự án giao năm 2023:17 dự án, kế hoạch 30/3/2023 đóng điện. Kết quả đã thực hiện: Hoàn thành đóng điện, đưa vào sử dụng: 58 dự án (chuyển tiếp năm 2021 và dự án giao năm 2022). Đang triển khai thi công 14 dự án giao bổ sung năm 2022 (sẽ đóng điện đồng bộ với các TBA 110kV). Đang triển khai thi công 17 dự án kế hoạch năm 2023…
Tính lũy kế tổng số dự án đến thời điểm hiện tại là 99 dự án, trong đó chuyển tiếp xây lắp từ năm 2022 sang là 16 dự án; Giao kế hoạch đầu năm 2023 là 20 dự án (gồm 17 dự án giao tập trung và 03 dự án giao lẻ); giao bổ sung kế hoạch năm 2023 là 30 dự án; chuẩn bị kế hoạch năm 2024 là 33 dự án. Kết quả đến nay đã hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế 63/63 dự án (Dự án bổ sung năm 2023 và năm 2024); hoàn thành thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán 15/30 dự án (Dự án bổ sung năm 2023); thực hiện các thủ tục mời thầu, xét thầu và lựa chọn nhà thầu xây lắp, cung cấp vật tư, tư vấn giám sát 26/50 dự án (Dự án năm 2023 là 20/20 dự án và dự án bổ sung năm 2023 là 6/30 dự án). Đối với công tác thực hiện thi công đã hoàn thành xây lắp 30/36 dự án…
Việc thực hiện tốt tiêu chí điện đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 359 xã và 700 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã NTM kiểu mẫu.
Thời gian tới, Công ty Điện lực Thanh Hóa sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng cải tiến và hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư lưới điện nhằm bảo đảm cung cấp điện với chất lượng ổn định, an toàn, tin cậy, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình mà tỉnh đã đề ra.
* Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương