Công ty không chốt bảo hiểm xã hội, người lao động phải làm thế nào?

(PLVN) - Người lao động đã nghỉ việc ở công ty và có nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, công ty nơi người lao động làm việc lại không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong trường hợp này, người lao động phải làm thế nào để được hưởng bảo hiểm xã hội một lần?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn đọc có địa chỉ email thanh...@gmail.com hỏi: Tôi đã nghỉ việc từ tháng 11/2016, sau đó tôi không làm việc tại công ty nên không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Hiện tôi có nhu cầu nhận BHXH một lần. Tôi liên hệ tổng đài thì được biết tôi chỉ cần đến BHXH quận, huyện nơi tôi cư trú để thực hiện thủ tục này kèm việc cập nhật số điện thoại để tiện cho việc tra cứu quá trình đóng BHXH của tôi trên website. 

Tuy nhiên, khi tôi trực tiếp đến BHXH quận Bình Tân (TP.HCM) để liên hệ thủ tục thì được biết tôi không thể tự mình cập nhật số điện thoại khi tôi đã nghỉ việc, kèm thêm việc kiểm tra thông tin đóng BHXH thì tôi biết rằng Cty nơi tôi làm việc cuối cùng vẫn chưa chốt BHXH cho tôi. Nhân viên tại BHXH quận Bình Tân hướng dẫn tôi có hai cách để thực hiện: Một là, do bên sử dụng lao động tiến hành chốt sổ; hai là, tôi phải trực tiếp thực hiện thủ tục này tại Hà Nội, nơi mà Cty đóng BHXH cho tôi. 

Thiết nghĩ, việc này là lỗi từ phía người sử dụng lao động đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động (NLĐ). Việc trực tiếp ra Hà Nội để hoàn tất thủ tục này với tôi là khá khó khăn về tài chính và thời gian. Trong trường hợp của tôi, nếu bên sử dụng lao động không đồng ý hoàn tất thủ tục chốt sổ BHXH cho tôi, tôi cần phải làm thế nào để thực hiện việc này mà không phải mất thời gian và tiền bạc để ra Hà Nội.

- Về vấn đề này, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội cho biết: Căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) của Bộ luật Lao động năm 2012 như sau:

-  Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

 - Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của NLĐ.

* Căn cứ vào khoản 5 Điều 21 Luật BHXH năm 2014 hiện hành quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả số cho NLĐ, xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ, hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

* Căn cứ theo quy định tại Điều 118 về khiếu nại BHXH của Luật BHXH năm 2014 như sau:

- NLĐ, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về BHXH, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Vì vậy, trong trường hợp của bạn, nếu  người sử dụng lao động cố tình trốn tránh, không thực hiện trách nhiệm này thì NLĐ là bạn có có thể liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc Thanh tra Sở LĐ-TB&XH để được can thiệp giúp đỡ. Hoặc khởi kiện ra Tòa án cấp quận/huyện nơi công ty đó đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết vấn đề của bạn.

Hoặc nếu Công ty đã báo giảm BHXH khi bạn chấm dứt HĐLĐ tại công ty thì bạn có thể tự lập hồ sơ chốt sổ và gửi hồ sơ chốt sổ qua đường bưu điện tới cơ quan BHXH chủ quản để chốt sổ BHXH.

Hồ sơ chốt sổ BHXH bao gồm:

- Sổ BHXH hoặc sổ BHXH và các trang tờ rời hoặc tờ bìa sổ BHXH và các trang tờ rời (bản chính);

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS, 01 bản/người).

Đọc thêm