Tặng xe tiền tỷ để đi kiểm tra đê điều
Đầu năm 2017, dư luận Cà Mau bàn tán về hai chiếc “siêu xe” Lexus GX 460 gắn biển xanh 80A mà Tỉnh ủy và UBND tỉnh này đang sử dụng. Hai chiếc xe trên giá xuất hóa đơn là hơn 6,2 tỉ đồng.
Cụ thể, tháng 3/2016, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý đã tặng cho Cà Mau hai chiếc xe trên. Chiếc màu trắng được tặng cho UBND tỉnh Cà Mau biển xanh 80A-338.39; chiếc màu bạc tặng cho Tỉnh ủy Cà Mau mang biển xanh 80A-369.69.
Khi ấy, trả lời báo PLO, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch tỉnh Cà Mau, cho biết: Việc tặng và nhận hai chiếc xe trên đã thực hiện theo đúng quy trình. Cụ thể, khi doanh nghiệp có nhã ý tặng xe, tỉnh giao Sở Tài chính rà soát, tiếp nhận đúng quy trình nhận tài sản tặng cho. Sau đó, Sở Tài chính có đề xuất và được UBND tỉnh chấp nhận, giao UBND tỉnh một chiếc và Tỉnh ủy một chiếc sử dụng vào việc công.
Về mục đích doanh nghiệp tặng xe cho tỉnh, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc công ty Công Lý - cha của “thiếu gia” Tô Công Lý vừa bị bắt, cho biết: "Tôi hỗ trợ tỉnh Cà Mau nhiều tỷ đồng để làm đường, xây nhà cho người nghèo... Thấy chính quyền địa phương không có ôtô đủ tiêu chuẩn để phục vụ cho việc kiểm tra đê điều hoặc đón những đoàn công tác Trung ương nên tặng 2 xe phục vụ cho việc công. Việc làm này là tự nguyện, minh bạch, không vụ lợi”.
Trong khi đó Chủ tịch tỉnh Cà Mau cho hay: “Doanh nghiệp tặng hai ô tô cho Cà Mau nhằm phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán xâm nhập mặn, đê kè, phòng chống lụt bão, cháy rừng…”.
“Không có chuyện vì nhận xe mà tỉnh có những ưu ái cho doanh nghiệp như đồn đại” - ông Hải nói.
Sau khi báo chí lên tiếng, tỉnh Cà Mau đã trả lại 2 xe sang cho Công ty Công Lý. Tuy nhiên dư luận vẫn đặt dấu hỏi về việc doanh nghiệp được ưu ái sau khi tặng xe sang.
Tặng xe xong liền được “ưu ái”
Thực tế là có cơ sở khi vào tháng 11/2016, công ty trên được tỉnh cho ứng 25 tỉ đồng từ ngân sách, công ty được phép trả chậm trong nhiều năm. Trong khi đó, với mức tiền chi trả hằng năm, công ty được phép ứng trước ngân sách nhưng con số này không vượt quá 16 tỉ đồng.
Thêm vào đó, tháng 12/2016, lực lượng biên phòng báo cáo về việc bắt quả tang người của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý khai thác cát biển trái phép với trữ lượng khoảng 80.000 m3. Đơn vị này cũng đề nghị UBND tỉnh xử phạt hành chính nhưng đã hơn hai tháng qua tỉnh vẫn chưa có quyết định xử lý nào về hành vi này của công ty.
Cùng với đó, công ty này đã từng để chết 8/15 ha rừng phòng hộ được Nhà nước cho thuê. Theo luật, công ty phải bị truy trách nhiệm nhưng Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau lại đề xuất tỉnh cho phép công ty tận thu toàn bộ số cây rừng bị chết, trồng lại cây thay thế phục vụ du khách trong Khu du lịch sinh thái Khai Long do công ty đầu tư.
Thua kiện nữ công nhân nhặt được vàng trong rác
Cách đây 5 năm, tại công ty Công Lý cũng xảy ra vụ việc gây nhiều chú ý khi Tô Công Lý trực tiếp đặt bút ký quyết định sa thải nữ công nhân nhặt được vàng trong rác là chị Phạm Tuyết Mai (39 tuổi, ngụ huyện Đầm Dơi). Lý do chị Mai bị đuổi việc là vi phạm nội quy kiểm soát ra, vào cổng và chống trộm cắp do Tổng giám đốc Công ty Công Lý ký ngày 20/3/2013.
Cụ thể, vào ngày 4/8/2014, trong lúc làm việc ở một dây chuyền xử lý rác, chị Mai nhặt được khoảng 5 lượng vàng.
Quản lý nhà máy rác Cà Mau yêu cầu chị nộp số vàng lại nhưng chị không đồng ý. Sau đó, chị và cả Ban quản lý nhà máy rác cùng báo Công an đến giải quyết, số vàng bị Công an tạm giữ, thông báo cho người mất đến nhận.
Tuy nhiên, sau đó, quản lý nhà máy rác đã họp và thống nhất kết luận chị Mai nhặt vàng không bàn giao là vi phạm quy định về việc ra vào cổng và chống trộm của đơn vị mình. Từ đó đề xuất công ty sa thải chị.
Tuy nhiên, theo kết luận của HĐXX, Tòa tuyên buộc công ty phải nhận chị Mai trở lại làm việc và bồi thường thiệt hại cho chị Mai hơn 76 triệu đồng.
HĐXX lập luận, quyết định sa thải chị Mai do ông Tô Công Lý, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng, thương mại Công Lý ký là trái luật. Cụ thể, Quyết định này không đưa ra căn cứ điều luật nào để sa thải chị Mai, tức là đã sai về hình thức.
Về nội dung, phía công ty cho rằng chị Mai đã vi phạm quy định nội bộ, nhưng quy định nội bộ của công ty chưa được đăng ký với cơ quan thẩm quyền nên HĐXX bác.