Công viên địa chất toàn cầu: Những “viên ngọc” chờ tỏa sáng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Việt Nam, các công viên địa chất với nhiều giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan cùng các giá trị di sản, di tích lịch sử, rất có tiềm năng phát triển và hưởng lợi từ du lịch địa chất.
Công viên địa chất Lạng Sơn với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. (Ảnh: BQL CVĐC Lạng Sơn)
Công viên địa chất Lạng Sơn với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. (Ảnh: BQL CVĐC Lạng Sơn)

Khám phá lịch sử hàng trăm triệu năm

“Công viên địa chất toàn cầu” là một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng tập hợp các di sản địa chất và cảnh quan tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục, phát triển bền vững, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội và có diện tích lớn để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác được UNESCO công nhận.

Đến nay, tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu, gồm: CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng và CVĐC toàn cầu Đắk Nông.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang được UNESCO công nhận ngày 3/10/2010. Công viên nằm ở vùng núi cực Bắc của Việt Nam, diện tích 2.356,8km², độ cao trung bình khoảng 1.400 - 1.600m và có tới 118 di sản địa chất. Cao nguyên đá có nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc khá lớn, các thung lũng, sông, suối bị chia cắt rất nhiều, là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận ngày 12/4/2018, Công viên có diện tích hơn 3.275km2 nằm tại vùng đất địa đầu của Việt Nam thuộc tỉnh Cao Bằng, có tới 90 di sản địa chất. Đây là nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc của Việt Nam như Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao, Sán Chay. Ngoài ra, đây cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Pác Bó và Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950. Nơi đây là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến và đặc biệt là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được UNESCO công nhận ngày 7/7/2020. Công viên có diện tích 4.760km², trải dài trên địa bàn 5 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. Công viên có tới 150 di sản địa chất, khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước… Cho đến cách đây 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động ở khu vực này, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, nhiều dấu tích cư trú của người tiền sử có niên đại hàng chục nghìn năm đã được tìm thấy trong các hang động này.

Gần đây, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh cũng đã nộp hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận.

Gắn với du lịch thân thiện môi trường

Hiện nay, trên thế giới có hơn 120 CVĐC toàn cầu được UNESCO công nhận. Sau khi gia nhập mạng lưới, hoạt động du lịch ở các vùng này đều phát triển vượt bậc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.

Điển hình như CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu đã góp phần tăng lượng du khách. Năm 2023, du lịch Hà Giang đã đạt trên 3 triệu lượt khách với doanh thu từ du lịch đạt khoảng trên 7,1 nghìn tỷ đồng, đóng góp 14,6% GDP của Hà Giang. CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận cũng góp phần lớn thu hút du khách. Năm 2023, tỉnh Cao Bằng đón khoảng 1,9 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng 34.000 lượt du khách quốc tế. Năm 2023, tổng doanh thu từ du lịch tại tỉnh Cao Bằng đạt 1.334 tỷ đồng.

Tại Lạng Sơn, CVĐC Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021, đến năm 2023 điều chỉnh phạm vi ranh giới lên 8 huyện, thành phố, diện tích khoảng 4.842km2, có cảnh quan nổi tiếng như: những dãy núi đá thấp trùng điệp bao quanh những thung lũng, bản làng ở xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); hang động là nơi cư trú người tiền sử như hang Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia)… Về mặt văn hóa, giá trị khác biệt của CVĐC Lạng Sơn với các CVĐC khác của Việt Nam là khu vực có nhiều dân tộc cùng sinh sống với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu. Các ngôi đền tiêu biểu của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn phần lớn đều nằm trong vùng lõi của CVĐC, trong đó tập trung nhiều và phổ biến nhất là huyện Hữu Lũng và Chi Lăng.

Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn: “Hiện nay chúng tôi đã trình bộ hồ sơ lên UNESCO và đang hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng và cảnh quan, dự kiến cơ bản xong trước tháng 7/2024 để đón đoàn chuyên gia thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu Lạng Sơn, hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững”.

Tại tọa đàm ký kết hợp tác phát triển du lịch CVĐC Lạng Sơn vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024 tại Hà Nội, bà Hương cho biết, với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, các tuyến, điểm du lịch tại CVĐC đang được tập trung xây dựng trên nền tảng gắn kết các địa điểm tiêu biểu về lịch sử tiến hóa liên tục của sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, với các di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Có thể nói, CVĐC đang nổi lên như là một loại hình mới trong lĩnh vực du lịch địa chất, mở ra một kỷ nguyên mới của trách nhiệm xã hội và du lịch thân thiện với môi trường Việt Nam. CVĐC thúc đẩy một mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi bật, đồng thời khuyến khích các cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Trương Quang Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng địa chất, sự phát triển của du lịch di sản đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế đất nước. Cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải bảo vệ các di sản địa chất chung của toàn nhân loại, hoặc các khu vực địa chất có giá trị khoa học, giáo dục, văn hóa và thẩm mỹ.

Đọc thêm