COVID-19 có thể biến thành chủng 'quái ác' hơn, Việt Nam nên chống chọi thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là ý kiến của Th.S, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong cuộc trò chuyện với PV Báo Pháp luật Việt Nam mới đây.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cảnh giác với nguy cơ xuất hiện dịch bệnh

Sau nhiều tháng chống chọi với làn sóng COVID-19 thứ 4, tình hình dịch tại Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, theo ông Cấp, “với COVID-19, chúng ta chưa thể nói trước được trong năm nay và sang năm sẽ diễn biến như thế nào. COVID-19 có thể đột biến nhẹ đi hơn và trở thành một bệnh bình thường, nhưng cũng có thể biến thể thành một biến chủng quái ác hơn gây ra làm sóng khác kinh khủng hơn".

Ông Cấp cũng lý giải điểm mới trong dịch bệnh này về việc đặt tên là COVID-19 với ngụ ý rằng hoàn toàn có thể xảy ra COVID-25, COVID-40... nên hiện không thể biết được đến năm nào lại xảy ra đại dịch tương tự như vậy. Vấn đề đặt ra cho nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo luôn phải cảnh giác với nguy cơ xuất hiện dịch bệnh.

"10 năm qua chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại điều này trong bài giảng của mình. Dịch bệnh tái, nổi, chìm sâu thì bây giờ sẽ xuất hiện, ví dụ như bệnh sởi, bệnh mới nổi chưa bao giờ xuất hiện thì bây giờ xuất hiện.

Đồng thời với tư duy cảnh giác như vậy, các nhà lãnh đạo cần có những quan tâm, chia sẻ tới 2 chuyên ngành, đó là truyền nhiễm và chuyên ngành hồi sức. Từ trước tới nay các chuyên ngành này đều tham gia rất nhiều trong công tác chống dịch bệnh, nhưng một thực tế cho thấy nhiều năm vừa qua các bác sĩ rất vất vả, điều kiện kinh tế cũng khó khăn, nên không ai đi theo chuyên ngành này, sinh viên mới ra trường cũng không theo chuyên ngành này, những người say mê lắm mới làm”, Th.S, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay và nhấn mạnh: “Nếu không chú ý đến các chuyên ngành này ngay từ đầu, thì hậu quả khi xảy ra thì sẽ rất khó đoán trước".

Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lấy ví dụ, nước Đức có hệ thống hồi sức cấp cứu rất tốt, năng lực điều trị mạnh nên họ đáp ứng được nhu cầu chấp nhận lượng bệnh nhân lớn, do đó họ không đóng cửa, hệ thống kinh tế xã hội vẫn hoạt động bình thường khi có dịch COVID-19. Còn những nước có hệ thống hồi sức yếu, nếu không kiểm soát tốt, liên tục giãn cách sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế, và nếu dịch bùng phát thì cái giá phải trả về thiệt hại con người và kinh tế xã hội cũng rất lớn.

Th.S, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Th.S, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Ở xa nhau để tránh lây lan dịch bệnh

Để hạn chế các ca bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19”, đồng thời Bộ Y tế cũng ban hành hướng dẫn quy định cấp độ dịch của từng địa phương.

“Do đó các địa phương cần linh hoạt để sống chung với dịch bệnh. Chúng ta không biết được biện pháp nào là vừa, đủ, đúng để đáp ứng. Sau khi xong rồi mới có đánh giá cụ thể. Đặc biệt người lãnh đạo địa phương đó mới biết được rằng năng lực thực của hệ thống điều trị, hồi sức là bao nhiêu, còn các con số thông kê không phải thế. Dẫn chứng cho thấy có tỉnh thống kê có 25, 27 bác sĩ hồi sức nhưng thực tế chỉ có khoảng trên dưới 10 người sử dụng thành thạo được máy thở, do đó thống kê trên thực tế chỉ mang tính hình thức. Người lãnh đạo tại chỗ mới biết được năng lực thực của địa phương. Trên cơ sở đó mới đề xuất giải pháp, có quyết sách thực với năng lực thực tế thì đáp ứng được năng lực đến đâu, để số lượng bệnh nhân có vượt quá giới hạn của địa phương mình”, bác sĩ Cấp nói thêm.

Về việc làm thế nào để hạn chế lây lan dịch bệnh, theo Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: “Có một vấn đề luôn đúng mà chúng ta chưa nghiêm túc thực hiện, đó là virus không thể lây nhiễm khi chúng ta ở quá xa. Do đó, người với người nên hạn chế giao tiếp gần nhau, nên ở xa nhau, dịch sẽ không lây lan. Biện pháp 5K cơ bản để phòng chống lây bệnh từ người này qua người khác, lây từ địa phương này sang địa phương khác.

"Chúng ta áp dụng tương đối tốt biện pháp này thì sẽ giảm những nguy cơ phải áp dụng những biện pháp mạnh hơn. Nếu 1 người bệnh được cách ly, không tiếp xúc với ai thì khi người bệnh khỏi hoặc không may mắn, tử vong, là bệnh sẽ hết. Trong điều kiện có một ai đó phá vỡ 5K gây lây lan dịch thì chúng ta phải áp dụng những biện pháp mạnh hơn, thay vì 1 người cách ly thì phải cách ly cả 1 thôn, 1 xã, thậm chí cả 1 huyện, 1 tỉnh. Nhiều nước đã phải giãn cách toàn bộ. Cái giá phải trả về kinh tế, xã hội, con người nặng nề hơn rất nhiều”.

Bên cạnh đó, bác sĩ Cấp cho rằng, hệ thống điều trị của chúng ta chưa đủ mạnh, hệ thống phòng dịch các hoạt động phòng dịch cũng không đủ kinh phí, phải sử dụng sự đồng lòng của toàn dân. "Nơi nào huy động được sự vào cuộc của toàn dân tốt thì nơi đấy chống dịch thành công. Không thể đủ lực lượng cán bộ, bộ đội công an đi khảo sát hết từng người, từng nhà trong điều kiện cấp bách. Nhưng huy động toàn dân thì hoàn toàn có thể làm được điều đó. Tương tự như vậy, khi điều trị, địa phương huy động được tất cả đội ngũ y bác sĩ tham gia thì sẽ nhanh chiến thắng dịch bệnh, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định.

Đọc thêm