Theo kết quả khảo sát của Nielsen toàn cầu, phần lớn (93%) người tiêu dùng (NTD) nói rằng họ sẵn sàng sử dụng công nghệ di động 5G và 60% người tiêu dùng sẵn sàng sử dụng trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo để tiếp cận với sản phẩm. Ở nhiều thị trường, Covid-19 đã làm tăng tốc việc sử dụng các nền tảng trực tuyến.
“Khảo sát nhanh về sự chuyển biến của hành vi NTD trong chu kỳ đại dịch Covid-19, cuộc sống hậu Covid-19 của Nielsen tại thị trường Việt Nam cũng cho thấy, ba chất xúc tác gồm: công nghệ, thương hiệu địa phương và chất lượng/hiệu quả đã tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp nhóm hàng tiêu thụ nhanh FMCG, nhà bán lẻ cũng như nhà sản xuất, khi các xu hướng mới phát triển và hành vi NTD đã điều chỉnh theo hướng Bình thường mới”, bà Louise Hawley - Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam – nhận định.
Đây là hệ quả của việc thực hiện các quy định cách ly xã hội và hạn chế tiếp xúc. Do vậy, người tiêu dùng đã thích ứng hơn với các hình thức mua sắm trực tuyến.
Trong báo cáo mới nhất về hoạt động các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2019, iPrice, phối hợp cùng SimilarWeb, App Annie và YouNet Media, đánh giá tiềm năng thị trường TMĐT tại Việt Nam “đang dần hoàn thiện và phát triển trở thành một kênh ưu việt hơn của NTD.”
Nhóm của iPrice cũng cho rằng, mua sắm trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ được ứng dụng qua các sàn TMĐT hiện đã trở thành một phản xạ đối với NTD Việt Nam. Bởi, mỗi khi có nhu cầu, họ sẽ mở ứng dụng yêu thích trên điện thoại hoặc gõ địa chỉ website và truy cập ngay.
Khi có nhu cầu mua sắm, NTD sẽ mở ứng dụng yêu thích trên điện thoại hoặc truy cập vào các địa chỉ website. |
Con số ấn tượng mà các tập đoàn nghiên cứu đưa ra cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thông tin về tốc độ tăng trưởng khoảng 30-35% vào năm 2020 mà ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT (Vecom) - đã nêu tại Hội thảo "Doanh nghiệp hậu Covid-19” mới đây cho thấy rằng “Nền kinh tế liên minh tạo sức bật phát triển. Trong đó, ngành TMĐT Việt Nam chứng kiến một bước ngoặt quan trọng khi thị trường dần đề cao hơn hiệu quả hoạt động với sự góp phần của công nghệ thông minh”.
Bên cạnh đó, chiến lược đẩy mạnh số hóa mà Chính phủ Việt Nam đã xem là mục tiêu quốc gia và đề án "Chuyển đổi số Quốc gia" đã được đưa ra với nhiều kỳ vọng đến năm 2025, gồm: chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia theo WEF thuộc TOP 40 (năm 2020 đạt TOP 50); 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch sang nền tảng số (năm 2020 đạt 10%); công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP (năm 2020 đạt 15%); Phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng đã phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025”, Việt Nam đặt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%.
Vì vậy, “Các nhà bán lẻ và thương hiệu cần phải nhanh chóng kiểm tra tình hình sản phẩm đang cung cấp và các động lực định giá phù hợp với hai mẫu hình người tiêu dùng mới nổi. Bởi NTD cũng sẽ nhanh chóng nắm bắt các công nghệ mua sắm mới nổi như thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường, điều này sẽ làm gia tăng nhu cầu muốn hiểu thêm thông tin trên tất cả các kênh”, ông Scott McKenzie - Trưởng nhóm Nielsen Global Intelligence – khuyến cáo.
Rõ ràng, sự phát triển của Internet, 4G – 5G và các thiết bị di động, đặc biệt là smartphone cùng hàng ngàn thẻ ngân hàng phát hành mỗi ngày… tại thị trường Việt Nam, cho thấy sự bùng nổ ngành TMĐT sẽ diễn ra tại thị trường này. Đây cũng là xu hướng diễn ra ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, góp phần hình thành ngành TMĐT thay thế mô hình kinh doanh truyền thống khi thói quen tiêu dùng thay đổi.