Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2018 và dự báo năm 2019” do Học viện Tài chính tổ chức sáng qua (3/1), đại diện Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, cùng với giá xăng dầu giảm, giá khí hóa lỏng cũng giảm mạnh trong Quý IV/2018, việc điều hành giảm giá dịch vụ khám chữa bệnh trong tháng 7/2018, mặt hàng lương thực, thực phẩm luôn đảm bảo nguồn cung dồi dào; đặc biệt, việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp điều hành giá một số mặt hàng hóa quan trọng, thiết yếu phù hợp với xu thế phát sinh trong năm, đồng thời sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các Bộ ngành, địa phương… cũng là các yếu tố góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế xã hội trong năm 2018.
Theo TS Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế Việt Nam) lạm phát tháng 12/2018 chỉ còn ở mức 2,98%, giảm mạnh so với 3,89% trong tháng 10/2018. Đây là điều rất thuận lợi cho việc đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 bởi mức khởi điểm lạm phát trong tháng đầu năm 2019 nhiều khả năng cũng sẽ ở mức dưới 3% sau khi giá xăng dầu giảm khoảng 500 đồng/lít. Ngoài ra, cả 3 yếu tố khiến cho lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá dầu, giá thịt lợn và tỷ giá đều được dự báo sẽ giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019. Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng LP năm 2019 sẽ thấp hơn năm 2018.
Còn nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Nguyễn Vinh Phú khẳng định: “Chắc chắn việc phấn đấu để đạt được mức 4% đề ra trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi”. Tuy nhiên, cần thêm các điều kiện, đó là: Nguồn cung hàng hóa dồi dào; Làm tốt công tác lưu thông phân phối; Chính phủ tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, chi phí cho doanh nghiệp; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, công khai minh bạch; Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ và hiệu quả; Có các giải pháp quyết liệt tăng thu cho ngân sách, chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả…
PGS.TS. Ngô Trí Long thì không giấu được băn khoăn bởi kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tăng trưởng 6,6- 6,8% trên nền tảng tăng trưởng cao của GDP năm 2019 là không hề dễ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn khó khăn, nhiều động lực cho tăng trưởng đã tới hạn. Theo chuyên gia này, để thực hiện mục tiêu CPI năm 2019 như Quốc hội đề ra cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
“Mức lạm phát 4% là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 6,91% đến 7%. Nhưng vấn đề quyết định không phải ở chỗ chọn mức lạm phát là bao nhiêu ứng với mục tiêu tăng trưởng, mà là giải pháp nào đảm bảo cho việc thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát…”- TSKH Nguyễn Thị Hiền bày tỏ quan điểm.