Nhưng Sở Y tế vẫn kiên quyết triển khai gói thầu bằng các văn bản đề nghị các bệnh viện trên địa bàn tỉnh lấy dược liệu của Hòa Phú về để khám chữa bệnh, phục vụ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, Bệnh viện Y học cổ truyền (BV YHCT) tỉnh đã kiên quyết không lấy hàng từ Hòa Phú vì Hòa Phú chỉ có hồ sơ photocopy…
Mang hồ sơ photocopy ra để cam kết…
Sau khi Báo PLVN lên tiếng trong bài viết về chuyện Đông dược Hòa Phú bị kết luận làm giả hồ sơ dự thầu, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức một cuộc họp công khai giải quyết các vướng mắc trong gói thầu đông dược. Trong Văn bản số 531/TB-VP ngày 9/9/2016 thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh có nêu rõ: đề nghị chấm dứt hợp đồng cung ứng, nhờ cơ quan điều tra thẩm định lại giấy tờ trong hồ sơ dự thầu.
Vấn đề đặt ra ở đây chính là việc thẩm định hồ sơ dự thầu. Liệu có việc quá dễ dãi trong việc thẩm định hồ sơ dự thầu? Trong khi Đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã có những nghi ngờ về hồ sơ dự thầu của Cty Hòa Phú thì Sở Y tế Kiên Giang vẫn kiên định: Về hồ sơ dự thầu, Cty TNHH Đông dược Hòa Phú tham gia gói thầu cung ứng dược liệu tại Sở Y tế Kiên Giang với hồ sơ đạt yêu cầu thể hiện qua 2 lần kiếm tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang và Cục Quản lý Y dược cổ truyền Bộ Y tế (trích Văn bản số 1292/SYT-NVD ngày 22/8/2016).
Trong khi cựu Giám đốc BV YHCT Kiên Giang kiên quyết không lấy dược liệu từ Cty Hòa Phú vì có nhiều biểu hiện cho thấy việc giả mạo hồ sơ và dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì Sở Y tế Kiên Giang vẫn yêu cầu các BV trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng theo quyết định trúng thầu đã ban hành (lấy hàng từ Cty Hòa Phú).
Bà Nguyễn Ngọc Dung, nguyên Giám đốc BV YHCT Kiên Giang (vừa về hưu đầu tháng 9/2016) cho biết: Sau khi Sở Y tế ban hành quyết định trúng thầu với gói thầu của Cty Hòa Phú nhưng BV chúng tôi không lấy vì tôi có nhiều nguồn tin cho thấy Hòa Phú đã giả mạo hồ sơ dự thầu. Do đó, tôi đề nghị Hòa Phú mang hồ sơ gốc ra đối chiếu rồi mới lấy dược liệu nhưng cả mấy tháng họ không cung cấp nên tôi quyết định không lấy hàng của Cty Hòa Phú. Tất cả những gì Hòa Phú có đều chỉ là hồ sơ photocopy.
Được biết bên Hòa Phú cũng có văn bản giải trình và cam kết nguồn gốc xuất xứ cũng như các phiếu kiểm nghiệm gửi BV YHCT nhưng bà Dung khẳng định, Hòa Phú cung cấp các phiếu kiểm nghiệm ở Bình Dương từ năm 2013 ra để chứng minh và họ nói rằng họ có kho đông lạnh bảo quản. Trong khi đó, theo bà Dung, thông tin về việc kho hàng Hòa Phú đã hết đã được Bộ Y tế thông báo rõ ràng.
Bà Dung cho biết thêm, khi thuyết phục nhiều lần mà BV kiên quyết không mua dược liệu, Cty Hòa Phú đã đưa ra một sấp hóa đơn chứng minh họ đã mua 25 tỉ đồng dược liệu có nguồn gốc rõ ràng để phục vụ cho gói thầu tại Kiên Giang. Nhưng bằng con mắt của một lãnh đạo lâu năm, bà Dung đã chỉ đạo nhân viên cộng lại sấp hóa đơn, kết quả là số lượng hàng hóa chỉ khoảng vài trăm triệu. Bà Dung đặt vấn đề: hóa đơn họ cung cấp chỉ trị giá khoảng vài trăm triệu đồng, làm sao họ đủ năng lực cung cấp gói thầu lên tới hơn 20 tỉ đồng?
Chuyện giả mạo hồ sơ đã được cảnh báo trước?
Được biết, trước đấy, BV YHCT cũng đã nhận được một văn bản từ Cty Thiên Ân Dược khiếu nại các vấn đề liên quan đến Cty Hòa Phú. Từ những khiếu nại này, Ban Giám đốc BV đã có nhiều yêu cầu chính đáng đến Cty Hòa Phú để chứng minh năng lực và nguồn gốc dược liệu của mình.
Để xác minh thông tin chúng tôi đã tìm đến Cty Thiên Ân Dược. Bà Nguyễn Thị Thuyết, Giám đốc Cty Thiên Ân Dược đã đưa ra rất nhiều các văn bản khiếu nại tới các Sở Y tế, các BV, thậm chí cả các cơ quan bảo hiểm xã hội để nói lại về các vấn đề liên quan tới Thiên Ân Dược trong các hồ sơ của Cty Hòa Phú.
Theo đó, ngày 6/1/2016, Cty Thiên Ân Dược đã gửi văn bản khiếu nại về việc đề nghị các cơ quan liên quan tạm dừng tất cả việc nhập hàng của Cty Hòa Phú trong các gói thầu có liên quan đến đầu vào của Cty Thiên Ân Dược. Chính Sở Y tế Kiên Giang cũng nhận được văn bản khiếu nại này và đã ra văn bản trả lời như sau: “Qua công tác xét thầu và thẩm định thầu thì nhà thầu Cty Hòa Phú đã vượt qua giai đoạn xét năng lực kinh nghiệm và kỹ thuật”.
Trước đấy, ngày 17/12/2015, Cty Thiên Ân Dược cũng đã gửi văn bản trả lời câu hỏi của Sở Y tế Kiên Giang về việc Thiên Ân Dược còn cung cấp dược liệu cho Cty Hòa Phú và cửa hàng Hòa Phú hay không như sau: Hợp đồng mua bán giữa Cty Thiên Ân Dược với Cty Hòa Phú và cửa hàng Hòa Phú còn hiệu lực đến 31/12/2015 nhưng Thiên Ân Dược chỉ cung cấp cho cửa hàng Hòa Phú số lượng rất ít và đã ngừng cung cấp từ tháng 5/2015.
Cộng thêm thông tin bà Dung cho biết, bà đã nhận được khá nhiều thông tin từ các tỉnh, thành lân cận cho biết về việc Hòa Phú có trình ra văn bản trong các hồ sơ dự thầu trong 2 năm khác nhau mà số văn bản cũng như nội dung văn bản không khác nhau gì, từ dấu chấm, phẩy trở đi. Bà đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu sao hồ sơ của Hòa Phú như thế lại có thể trúng được gói thầu lớn tại Sở Y tế”?
Như vậy phải chăng thông tin về việc Hòa Phú giả mạo hồ sơ đã được cảnh bảo trước nhưng không hiểu vì lý do gì Hòa Phú vẫn trúng một gói thầu lớn của Sở Y tế Kiên Giang?
Trong một diễn biến khác, trong lúc đang bị phanh phui về việc giả mạo hồ sơ, Cty Hòa Phú lại đột ngột thay… ngựa bằng quyết định thay đổi người giữ chức vụ Giám đốc, từ bà Nguyễn Thu Hằng sang ông Nguyễn Xuân Lam bằng Thông báo số 01/2016/TB-HP. Theo đó, bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Lam giữ chức vụ giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Cty Đông dược Hòa Phú từ ngày 15/8/2016. Đây là một quyết định thực sự khó hiểu và chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.