Nhiều câu hỏi khó trả lời
Cuối tuần qua, tại một số quận trên địa bàn Hà Nội như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng… đột nhiên người dân được phát “Phiếu thu thập thông tin dân cư” để kê khai thông tin cá nhân.
Ngoài các đầu mục thông tin sẵn sàng cung cấp như họ tên khai sinh, tên gọi khác, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi ở hiện nay... thì người dân bức xúc, lo lắng khi phải khai địa chỉ email, số điện thoại, nhóm máu, thậm chí còn hỏi người đó có là thành viên hội nào trong 9 loại hội mà Công an gợi ý... Tổng số các đầu mục thông tin cá nhân phải kê khai lên tới con số 32.
Ngoài ra, chủ hộ gia đình còn phải kê khai đầy đủ thông tin tóm tắt tiểu sử về bản thân kể từ khi đủ 14 tuổi tới nay, mối quan hệ gia đình (ghi đầy đủ cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột của người kê khai). Cuối bản kê khai còn có phần xác nhận của Chỉ huy trưởng Công an phường, xã, thị trấn, Đồn Công an và Cảnh sát khu vực.
Sau khi nhận được bản yêu cầu kê khai kỳ lạ trên, nhiều người dân tại các quận Hà Đông, Hoàng Mai… tỏ ra băn khoăn không biết có nên công khai những thông tin cá nhân quá chi tiết nói trên cho Công an hay không. “Chúng tôi không muốn kê khai thông tin về số điện thoại, email cá nhân, hội viên của hội nào… nhưng không có ai để hỏi, trong khi vị tổ trưởng tổ dân phố lại giục giã thu lại. Tôi băn khoăn số điện thoại, email thì thay đổi liên tục, vậy thu thập để làm gì?” - chị Phạm Thị Loan ở Cầu Giấy thắc mắc.
Một số nội dung trên Phiếu thu thập thông tin dân cư cũng khiến người dân ngơ ngác không kém. Chẳng hạn, đặc điểm cá nhân lại đưa ra các lựa chọn chẳng có ý nghĩa chứng minh gì cho đặc điểm cá nhân đó như: lão thành cách mạng; cựu chiến binh; hưu trí; tàn tật, dị tật; bệnh nan y, tâm thần.
Hay ở mục “Mối quan hệ gia đình” phải ghi đầy đủ cha, mẹ, anh chị em ruột của người kê khai khiến đối tượng kê khai là những người trên 70 tuổi lúng túng, khó khăn do không nhớ năm sinh của những người thân của mình.Hoặc trường hợp những người thân này đã mất thì cũng không có cột nào để ghi là “đã mất”.
“ Hình như cơ quan lấy thông tin chỉ nghĩ đến trường hợp người thân còn sống nên chỉ đưa ra các ô thông tin như chỗ ở hiện nay, nghề nghiệp, quốc tịch khiến chúng tôi không biết kê thông tin người đã mất như thế nào. Trên phiếu kê khai có 15 đầu mục được khoanh tròn, số mục khác không bị khoanh tròn cũng khiến chúng tôi không hiểu ý đó là ý gì”- ông Trần Trung Thọ ở Hoàng Mai nói.
Giải thích chưa thỏa đáng
Công an TP.Hà Nội đã họp báo để giải trình vì sao lại yêu cầu người dân kê khai chi tiết đến vậy.
Tại buổi họp báo, Đại tá Lê Học Thu - Chánh Văn phòng Công an TP.Hà Nội - cho hay, việc thu thập thông tin thường xuyên nằm trong kế hoạch điều tra thông tin và tạo lập dữ liệu điện tử về dân cư trên địa bàn. Cơ sở pháp lý để tiến hành việc thu thập thông tin dân cư là: Nghị định số 90/2010/NĐ- CP quy định về dữ liệu quốc gia về dân cư, Thông tư số 10/2013/TT- BCA, Thông tư 81/2011/TT-BCA, Chỉ thị 14/CT của UBND TP.Hà Nội.
Ngoài ra, ông Thu còn cho biết, Công an Hà Nội đang thực hiện Dự án đầu tư “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý dân cư giai đoạn 1 trên địa bàn thành phố Hà Nội” để phục vụ cho việc UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị tiến hành cải cách thủ tục hành chính ở các sở, ban, ngành trong thời gian tới.
Dự án đã được Bộ Công an đồng ý và UBND thành phố phê duyệt. Việc thu thập thông tin dân cư bao gồm 32 danh mục sẽ góp phần làm giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, hồ sơ, số lần đi lại của công dân… khi thực hiện các thủ tục hành chính như cấp hộ chiếu, đăng ký thường trú, tạm trú…
Trả lời câu hỏi về việc vì sao phải kê khai nhóm máu dù chẳng liên quan gì lắm đến công tác quản lý dân cư, ông Thu giải thích: “Công an TP.Hà Nội không bắt buộc công dân phải kê khai mục này và chỉ bắt buộc đối với các đầu mục được khoanh tròn, nhưng Công an TP.Hà Nội thu thập các thông tin này với mục đích phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Trên thực tế, có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, do không xác định được nhóm máu của nạn nhân nên rất khó khăn cho việc cấp cứu nạn nhân”.
Công an TP.Hà Nội cũng “đẩy” thiếu sót trong việc hướng dẫn người dân kê khai sang cho Cảnh sát khu vực do đã không trực tiếp gặp công dân để giải thích, thu nhập thông tin mà lại giao phó cho các Tổ trưởng tổ dân phố đưa tận tay các hộ kê khai. Tuy nhiên, Công an TP.Hà Nội cũng trấn an dư luận về nguy cơ rò rỉ thông tin vì đã lỡ để các tổ trưởng dân phố “làm hộ” vào công việc đòi hỏi phải bí mật, cẩn trọng này.
Theo chúng tôi, trả lời trên của Công an TP.Hà Nội chưa thuyết phục.
Thứ nhất, rà soát các văn bản mà Công an lấy làm căn cứ thì không có văn bản nào hướng dẫn phải kê khai tới 32 đầu mục với các nội dung yêu cầu kê khai khá riêng tư như vậy.
Thứ hai, về kê khai nhóm máu, nói là để phục vụ công tác cứu nạn kịp thời chỉ đúng về lý thuyết mà không khả thi trong thực tế hiện nay. Được biết, trước khi cấp chứng minh nhân dân 12 số theo công nghệ mới, Bộ Công an đã cân nhắc việc đưa thông tin nhóm máu lên chứng minh nhân dân cũng nhằm mục đích cấp cứu nạn nhân nhanh nhất, nhưng cuối cùng không thể thực hiện được mục tiêu to lớn này vì như một cán bộ của ngành Công an từng nói:
“Chúng tôi không thể tin hoàn toàn theo kê khai của người dân được. Cần phải mời cả cơ quan y tế về ngồi lấy mẫu máu để xét nghiệm trực tiếp khi cấp chứng minh nhân dân, nhưng lấy đâu ra mặt bằng, nhân lực, kinh phí?”.
Dù ý tưởng rất nhân văn này chưa thành hiện thực nhưng người dân dễ thông cảm cho ngành Công an vì suy xét đúng điều kiện. Thật tai hại, nếu người dân cứ kê khai bừa nhóm máu, dẫn đến truyền máu sai thì lúc đó ai chịu trách nhiệm?Nay, Công an Hà Nội lại “chơi trội” tin theo lời khai của dân về nhóm máu để cứu nạn, cứu hộ, để nhập vào dữ liệu quốc gia thì người dân lo ngại là đúng.
Thứ ba, việc nói không rò rỉ thông tin thật khó tin. Theo Nghị định 90, nguyên tắc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin đời tư cá nhân. Nhưng, một số chuyên gia tư pháp lo ngại việc thu thập nhiều thông tin cá nhân theo cách thức thủ công như như Công an TP.Hà Nội đang làm tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố bảo mật.
Bởi những điều chưa thỏa đáng trên, rất nhiều người dân tại các quận nhận được phiếu nhưng đã tạm dừng chưa kê khai, đề nghị sửa lại các nội dung cho đúng và phù hợp thì mới thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cá nhân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hỏi toàn câu “độc”, không ai dám khai
12 chỉ tiêu thông tin đặt thêm của Công an TP.Hà Nội toàn là thông tin “độc”, hỏi mà không ai dám khai ra. Nếu nói đảm bảo bí mật thì không có cơ sở, không ai tin vì ngay trong lực lượng Công an TP.Hà Nội đã có mấy vạn người rồi, thông tin khó giữ được. Tôi cho là quyền bí mật đời tư không được đảm bảo.
Về quyền dân sự, quyền nhân thân của công dân đã được quy định trong hệ thống pháp luật từ Hiến pháp đến Bộ luật Dân sự, tất cả đều tôn trọng quyền này. Việc Công an TP.Hà Nội lấy 32 thông tin khiến người dân không chỉ có cảm giác lo sợ bị lộ mà còn cảm thấy cơ quan lấy thông tin không tôn trọng họ. Đơn vị xác lập hệ thống thông tin tự cho mình quyền đứng trên nhân dân. Ngay cả khi được quy định trong Nghị định rồi thì cũng không nên mặc định là “chuẩn” vì cần phải đối chiếu lại theo Hiến pháp, pháp luật xem đã đúng chưa. (Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)