'Cú hích' cho di sản văn hóa từ công nghệ số ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự giàu có về di sản văn hóa mang lại cho xứ Nghệ nguồn tài nguyên vô giá. Với khát vọng mạnh mẽ và hành động quyết liệt, Nghệ An đã có những dấu ấn đột phá đưa công nghệ số vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Quét mã QR tham quan, chụp ảnh thực tế ảo tại Di tích mộ bà Hoàng Thị Loan. (Nguồn: Khu di tích Kim Liên)

Quét mã QR tham quan, chụp ảnh thực tế ảo tại Di tích mộ bà Hoàng Thị Loan. (Nguồn: Khu di tích Kim Liên)

Sức hút di sản thời 4.0

Sáu tháng đầu năm 2024, Bảo tàng Nghệ An đón hơn 14.000 lượt khách, vượt con số hơn 11.000 lượt khách của cả năm 2023. Riêng 4 tháng từ khi khánh thành giai đoạn 1 “Không gian trải nghiệm số” vào tháng 3/2024 đến nay, lượng khách đến với Bảo tàng Nghệ An đã là hơn 10.000 lượt.

Bà Phan Thị Hà Long - Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết, không gian trải nghiệm số tại Bảo tàng Nghệ An còn khá khiêm tốn với 200m2 và lượng dữ liệu chưa phải đồ sộ, nhưng đã được đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ hiện đại. Người xem có thể tham quan qua công nghệ thực tế ảo VR, hỏi đáp và nghe thuyết minh tự động với công nghệ AI, xem trình chiếu 3D mapping, tra cứu thông tin qua thiết bị Kiosk tương tác đa điểm...

Việc ứng dụng công nghệ số vào trưng bày bảo tàng đã tạo hiệu ứng truyền thông lớn đối với khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều bạn thuộc thế hệ Gen Z lần đầu đến với bảo tàng do sức hút “hot trend” từ những góc “check-in” lung linh được lan truyền trên mạng xã hội. Với một số bạn trẻ, bảo tàng trước đó dường như có gì đó cũ kỹ, kiểu “sập, gụ, tủ, chè”, nhưng khi trải nghiệm trực tiếp, được “chạm, sờ” vào các cổ vật qua công nghệ số và khám phá những không gian trưng bày khác, nhiều bạn đã bày tỏ ngạc nhiên “không ngờ bảo tàng cũng đẹp như vậy”.

Không gian trải nghiệm số tại Bảo tàng Nghệ An thu hút nhiều bạn trẻ. (Nguồn: P.V)
Không gian trải nghiệm số tại Bảo tàng Nghệ An thu hút nhiều bạn trẻ. (Nguồn: P.V)

Một điểm di tích khác tại Nghệ An đã sớm thực hiện chuyển đổi số từ năm 2020 là di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (Nam Đàn). Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Khu di tích cho biết, Khu di tích đã số hóa hơn 10.000 tài liệu, hiện vật, áp dụng công nghệ thực tế ảo VR 360 độ và thực tế ảo tăng cường AR kết hợp màn hình chạm hiện đại tại khu trưng bày và khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Hiện Khu di tích Kim Liên đang xây dựng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án thuyết minh tự động để phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách.

Từ đầu năm đến nay, Khu di tích đã đón gần 1 triệu lượt khách, riêng tháng 6 vừa qua là khoảng 400.000 lượt. Giai đoạn cao điểm, mỗi ngày trung bình có hơn 500 đoàn khách. Đỉnh điểm có ngày Khu di tích đón gần 2000 đoàn khách. Việc triển khai thuyết minh tự động sẽ hỗ trợ rất lớn cho du khách có nhu cầu nghe thuyết minh, đặc biệt là các đoàn khách nước ngoài, các đoàn có số lượng lớn hàng trăm người...

Nhiều điểm đến khác tại xứ Nghệ như: Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Quảng trường Hồ Chí Minh... đều đã trang bị các Kiosk tra cứu thông tin đa điểm để du khách chủ động tìm hiểu, tăng thêm trải nghiệm và tiện ích cho du khách.

Ông Hồ Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An chia sẻ: Chuyển đổi số thực sự là “cú hích” góp phần thay đổi cách tiếp cận của người dân đối với các di sản văn hóa lịch sử theo hướng tích cực, hiện đại và sinh động hơn, chủ động hơn, mang tính cá nhân hóa hơn.

Trải nghiệm tham quan thực tế ảo. (Nguồn: Bảo tàng Nghệ An)

Trải nghiệm tham quan thực tế ảo. (Nguồn: Bảo tàng Nghệ An)

“Vượt khó” để chuyển đổi số

Tuy nhiên, để có “quả ngọt” về chuyển đổi số trong quản lý di sản, ngành Văn hóa tỉnh đã phải vượt qua rất nhiều gian nan. Mặc dù được lãnh đạo các cấp quan tâm tạo điều kiện nhưng hành trình số hóa di sản không hề đơn giản.

Ông Hồ Mạnh Hà cho biết, một trong những vấn đề đau đầu nhất và tốn nhiều thời gian nhất là hoàn tất các thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai. Chuyển đổi số vẫn là một lĩnh vực mới, nhiều vấn đề chưa được quy định trong các văn bản pháp luật, chưa có hướng dẫn cụ thể. Để giải quyết những “điểm nghẽn” này, ngành Văn hóa Nghệ An đã phải quyết liệt vượt khó, vận dụng hết những nguồn lực có thể để đưa kế hoạch chuyển đổi số từ trang giấy đến thực tiễn.

Hiện nay, khó khăn vẫn chưa dừng lại. Không gian trải nghiệm số tại Bảo tàng Nghệ An đã bước đầu ghi dấu ấn tích cực, thu hút đông đảo khách tham quan, nhưng “bài toán” đặt ra là quản lý, vận hành, duy trì như thế nào cho hiệu quả bền vững. Nghệ An chưa triển khai việc thu phí tham quan di tích, danh thắng, bảo tàng và công trình văn hóa ở trên địa bàn tỉnh. Ngoài Bảo tàng Nghệ An được ưu tiên đầu tư ngân sách, phần lớn các điểm đến khác đều đang phải huy động nguồn vốn xã hội hóa để trang bị máy móc phục vụ số hóa di sản. Trang thiết bị hiện đại cũng có lúc trục trặc, cần cả chi phí duy trì và nhân lực chuyên môn để quản lý, vận hành thường xuyên. Chưa kể một bộ phận nhỏ du khách còn thờ ơ chưa có ý thức giữ gìn những thiết bị được sử dụng miễn phí...

Trình chiếu 3D mapping trong không gian hang Thẩm Ồm tại Bảo tàng Nghệ An. (Nguồn: PV)
Trình chiếu 3D mapping trong không gian hang Thẩm Ồm tại Bảo tàng Nghệ An. (Nguồn: PV)

Từng bước tháo gỡ những rào cản, ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An đang tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới bảo tàng số, thư viện số, thuyết minh số, chuyển đổi số trong quản lý di sản văn hóa. Mỗi cán bộ ngành đều là một “đại sứ”, một tuyên truyền viên tích cực lan tỏa những giá trị tiên tiến, nỗ lực đưa di sản văn hóa đến gần hơn với người dân và ngược lại, đưa người dân đến gần hơn với di sản.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An:

Tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng di sản văn hóa phong phú và đa dạng với 2.062 di tích danh thắng, gần 500 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại. Việc định hướng chuyển đổi số cho lĩnh vực di sản văn hóa làm sao vừa bảo đảm được công tác bảo tồn, vừa phát huy tối đa giá trị di sản là rất khó. Chính vì vậy, ngay từ bước đầu triển khai, ngành Văn hóa Nghệ An đã xác định “vượt khó”, quyết tâm áp dụng công nghệ số với phương châm “xác định đối tượng đầu tư, đón đầu công nghệ, nỗ lực thực hiện”.

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu toàn cầu, thời gian tới, ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai công tác chuyển đổi số liên quan đến lĩnh vực của ngành, đặc biệt tập trung chuyển đổi số tại các di tích trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả phát huy giá trị di tích, điểm đến văn hóa cũng như tạo ra các điểm nhấn tham quan hấp dẫn thu hút khách du lịch về với Nghệ An, góp phần đưa di sản văn hóa trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Nghệ An là một trong số ít những tỉnh, thành phố trên cả nước chưa triển khai thu phí tham quan di tích, danh thắng, bảo tàng và công trình văn hoá trên địa bàn. Vấn đề này từng được các sở, ngành liên quan của tỉnh nhiều lần bàn bạc nhưng chưa thống nhất.

Bên cạnh quan điểm nhận định chưa đến thời điểm phù hợp để thu phí thì nhiều ý kiến cho rằng việc này hiện nay là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu thế chung trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt trong công cuộc chuyển đổi số. Đối với các di tích, bảo tàng, việc thu phí nhằm bù đắp chi phí phục vụ công tác thu, quản lý và sử dụng nguồn thu phí tham quan tại đơn vị; bổ sung kinh phí cho hoạt động thường xuyên và công tác bảo quản, phục hồi và sửa chữa và góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách tham quan. Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức và tạo ý thức, thói quen cho người dân trong việc đóng góp cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Đọc thêm