Nhiều biện pháp kích cầu
Trước khi bước vào tháng 5, hàng loạt dự báo cho rằng, sau 4 tháng giảm mạnh doanh số, thị trường ô tô tháng 5 sẽ khởi sắc với việc nhiều hãng xe chính thức ra mắt các mẫu xe mới với giá cạnh tranh thực sự. Cùng với đó là các thông tin về khuyến mại giảm giá, nhằm giải phóng hàng tồn kho.
Trong đó, đáng kể có những mẫu xe giảm đến 300 triệu như xe Forester 2022 của Subaru; Hyundai cũng công bố giảm khoảng 150 triệu đồng cho Santa Fe 2022, giảm 100 triệu đồng cho Stargazer 2022. KIA giảm giá hơn 110 triệu đồng cho Sorento sản xuất cùng giai đoạn này...
Mercedes-Benz Việt Nam lại quyết định “tặng” 100% lệ phí trước bạ (LPTB) để thúc đẩy sức bán GLC thế hệ hiện tại (X253) trong tháng 5 và tháng 6. Mitsubishi cũng áp dụng chính sách giảm giá tương đương 100% LPTB cho các mẫu Triton/Xpander. Toyota cũng thực hiện giảm giá cho các mẫu khá “hot” một thời như Fortuner, Corolla Cross xuất xưởng năm 2022...
Chưa kể, nhiều ngân hàng cũng đã thông tin về việc kết hợp với một số hãng xe thực hiện giảm lãi suất, thậm chí lãi suất 0% trong 12 tháng đầu tiên khi khách hàng vay mua ô tô. Ví dụ như Vietcombank hợp tác với Hyundai Thành Công giảm lãi suất cho khách hàng mua các dòng xe như Stargazer với mức lãi suất 0%/năm; dòng Tucson và Santa Fe lãi suất 2,5%/năm. Số tiền cho vay tối đa lên tới 80% giá trị xe…
Tuy nhiên, theo số liệu mới công bố của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tháng 5/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 20.726 xe, bao gồm xe 14.483 du lịch; 6.096 xe thương mại và 147 xe chuyên dụng, giảm 8% so với tháng 4/2023 và giảm 53% so với tháng 5/2022. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp sụt giảm về sức tiêu thụ của toàn thị trường khi chỉ có hơn 20.700 xe được bán ra.
Tính tổng từ đầu năm tới hết tháng 5/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 36% so với năm ngoái, trong đó xe ô tô du lịch giảm 41%; xe thương mại giảm 12% và xe chuyên dụng giảm 63% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính theo dòng xe nhập khẩu và lắp ráp thì doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 43%, trong khi xe nhập khẩu giảm 23% so với cùng kì năm ngoái.
Theo đánh giá của nhiều hãng xe, nguyên nhân của việc doanh số ô tô toàn thị trường giảm sút trong 2 tháng liên tiếp xuất phát chủ yếu từ việc sức mua giảm mạnh do khó khăn của kinh tế nói chung. Cùng với đó là việc người tiêu dùng có ý định chờ chính sách được giảm 50% LPTB mà Bộ Công Thương đã đề xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, các DN đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho tăng cao, DN ô tô đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí có DN đang đứng trước sự sống còn.
Sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ từ tháng 7
Liên tục trong nhiều tháng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các DN sản xuất ô tô, VAMA và các tỉnh có nhà máy sản xuất ô tô để báo cáo Chính phủ xem xét đề nghị giảm LPTB với ô tô.
“Hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xem xét kiến nghị của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương quan điểm năm 2020 - 2021, việc giảm LPTB 50% cũng đã được thực hiện nên thời điểm này cũng cần có chính sách tương tự. Bởi ngoài nỗ lực của DN để giảm giá bán nhằm kích cầu thị trường thì cũng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Bộ Công Thương rất ủng hộ giảm LPTB 50%. Trong đó chúng tôi đề xuất là giảm LPTB trong năm 2023” - ông Thành chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: “Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, tiếp tục giảm LPTB thì nhiều DN chưa chắc giữ được việc sản xuất kinh doanh của mình”.
Trước ý kiến cho rằng trong bối cảnh ngân sách đang gặp nhiều khó khăn về nguồn thu, việc giảm LPTB có thể làm giảm thu ngân sách, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, thực tế các đợt việc giảm LPTB trước, sản xuất kinh doanh của DN không những giữ vững mà còn phát triển, góp phần tăng doanh số bán xe, giúp thu ngân sách tăng lên. Cụ thể, việc ban hành chính sách giảm 50% LPTB trong 6 tháng năm 2020 đã khiến số thu LPTB giảm 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước về ô tô lại tăng 14.110 tỷ đồng.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc giảm 50% LPTB ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, hướng giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng, kể từ ngày 1/7/2023.