Boris Becker là người vừa nổi tiếng vừa tai tiếng nên được dư luận quan tâm đến. Từ giác độ pháp lý thì chuyện này lại đáng được chú ý bởi cả luật quốc gia lẫn lệ ngoại giao thế giới đều bị vận động viên kia tìm cách lách.
Tháng 6 năm ngoái, Becker bị tòa án ở Anh tuyên bố phá sản do không thanh toán được đúng hạn những khoản nợ nần phải trả. Từ đó, tòa phải xét xử trách nhiệm bồi thường của Becker cho những chủ nợ.
Theo luật pháp hiện hành ở Anh, nếu trong thời gian một năm mà tòa không đi đến được phán xử cuối cùng thì vụ việc coi như được xóa bỏ, tức là bị cáo, trong trường hợp này là Becker, không còn phải chịu trách nhiệm gì về bồi thường và không còn bị buộc phải cầm cố mọi thu nhập hiện có được để trả nợ.
Ở nước Đức, thời hạn này là 6 năm. Khoảng thời gian ngắn là một trong những yếu tố giúp cho nước Anh trở nên hấp dẫn nhất ở châu Âu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành hoạt động đầu tư vào đó để kinh doanh.
Vì thời hạn này ngắn nên luật pháp dễ bị lách khi phía bên bị đơn tìm mọi cách để câu giờ, kéo dài quá trình xét xử, gây khó khăn và trở ngại để tòa không thể đi tới phán xử cuối cùng trong thời hạn 1 năm.
Vào ngày 21/6 năm nay, thời hạn ấy kết thúc với vụ việc của Becker và tòa án ở Anh phải quyết định chấm dứt vụ việc này hay kéo dài thời gian xét xử. Cách đây mấy ngày, Becker và luật sư tung ra chiêu thức mới là công bố với thiên hạ rằng Becker đã được chính phủ nước Cộng hòa Trung Phi công nhận và sử dụng làm nhà ngoại giao của nước này, cụ thể là Tùy viên về văn hoá và thể thao ở đại sứ quán của Cộng hoà Trung Phi tại EU. Hình ảnh về tấm hộ chiếu ngoại giao cho Becker cũng đã được công bố.
Nhà ngoại giao được hưởng những quyền ưu đãi và miễn trừ đặc biệt theo Công ước Viên của LHQ năm 1963 về quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa các quốc gia. Theo đó, nhà ngoại giao có quyền bất khả xâm phạm, không bị bắt, khám xét và xét xử ở bên ngoài trừ khi bị nước cử đi tước bỏ quy chế ngoại giao. Becker và luật sư viện dẫn tư cách ngoại giao này để phía tòa án ở Anh không thể quyết định gia hạn vụ xét xử.
Luật lệ quốc tế về ngoại giao là như thế. Đồng thời, trong thế giới ngoại giao cũng còn có cái lệ là mọi chuyện vướng mắc đều được ưu tiên xử lý theo cách kín đáo và tế nhị, để ý đến thể diện của nhau và tránh bị trả đũa về ngoại giao. Một khi cái lệ này không được tuân thủ thì khi ấy chuyện quan hệ song phương giữa các quốc gia liên quan đã trở nên rất tồi tệ rồi.
Hiện tại, phía chính phủ Cộng hoà Trung Phi đưa ra những thông tin trái chiều nhau về việc xác nhận Becker có phải là nhà ngoại giao của nước này hay không và tấm hộ chiếu ngoại giao kia thật hay giả. Lý do thực chất ở chỗ chính phủ nước này muốn tận dụng uy danh cá nhân của Becker nhưng lại hết sức tránh để bị Becker lợi dụng nhằm thoát khỏi vụ việc ở tòa án Anh.
Giấy tờ, thật hay giả là chuyện khác, cho thấy Becker mãi tới tận cuối tháng Tư vừa rồi mới trở thành nhà ngoại giao của Cộng hoà Nam Phi. Giấy tờ giả thì không bàn làm gì. Nhưng nếu nó thật thì cũng rõ ràng là cựu vận động viên thể thao tennis này và luật sư đã nghĩ ra chiêu trò lách lệ ngoại giao để rồi lách luật pháp ở Anh.
Phán xử của tòa án ở Anh vì thế có tác động không chỉ đối với số phận của cá nhân Boris Becker mà còn cho thấy chuyện lách luật quốc gia và lách lệ ngoại giao rồi đây sẽ bị ngăn chặn hay sẽ được tiếp tục dung chấp./.