“Cửu trùng đài” để hóng gió trời, nghe chim hót!
Cụ Dương Văn Dương (ngụ ấp An Bình, xã Hòa Bình, H.Chợ Mới, An Giang) đã 92 tuổi, có gần 8 năm sống... trên cây. Hôm chúng tôi đến ấp An Bình không khó để tìm vì biệt danh "ông già đọt cây" ai cũng biết.
Nghe khách lạ hỏi thăm, chị Trần Thị Bé Bảy, con dâu thứ 5 của cụ Dương, dẫn chúng tôi ra căn nhà kỳ quái của cha chồng. Cái nhà lạ đời của cụ nằm cheo leo trên cây, riêng biệt trong khu đất vườn, gần đó không có nhà dân nên chị Bảy nói chính vì vậy mà chưa bị ai phản đối vì lo nhà sập!
Chị Bảy kể, lúc trước người ta thấy lạ đến xem ngôi nhà kỳ quái này rần rần nhưng bây giờ ai cũng quen nên ít đến xem nữa. “Từ ngày xây căn nhà kỳ dị đó, cụ ở trên đó suốt, tới giờ cơm mới xuống ăn, ăn xong lại leo lên”, chị Bảy nói.
Theo chị Bảy, mấy chục năm trước, cụ Dương trồng 4 cây gòn trong vườn theo hình vuông, mỗi cây cách nhau hơn 1,2 m. Lúc đó con cháu tưởng cụ trồng chơi nên không để ý. Vài năm sau, 4 cây gòn cao lớn thì cụ cho mọi người biết cụ sẽ cất cái tháp cao để lên đó nằm hóng gió trời, nghe chim hót cho vui. Lúc bấy giờ con cháu mới vỡ lẽ, thì ra cụ trồng 4 cây gòn để làm 4 cây cột sống.
Rồi từ năm 2007, cụ Dương đẽo tre, hì hục buộc chằng chịt vào 4 thân cây gòn rồi cất cái nhà (gọi là chòi thì đúng hơn). Cứ mỗi năm cụ cất thêm 1 - 2 tầng lên cao, tất cả đều bằng tre và ván vụn. Đến năm 2014, ngôi nhà trên cây của cụ Dương đã lên đến 9 tầng, tổng chiều cao trên 10 m, mà cụ hóm hỉnh gọi là “cửu trùng đài”.
92 tuổi vẫn rất khỏe
Chị Bảy đứng dưới căn chòi gọi. Nghe tiếng, từ trên cao, cụ Dương ở trần, nhú đầu ra hỏi: “Đứa nào kêu vậy bây?”. Và rồi, như trung niên, từ trên cao cụ bám theo các thanh tre trèo xuống rất nhanh.
“Người chim” cao khoảng 1,6 m, mái tóc bạc phơ nhưng cặp mắt còn rất tinh, miệng lúc nào cũng như chực nở nụ cười. Chị Bảy khoe ba chồng chị cao tuổi nhưng mạnh không thua gì thanh niên. Tới mùa nước lũ cụ Dương vẫn lặn dưới sông kéo lưới bắt cá. Mấy chục năm qua, hiếm khi nào cụ bị bệnh phải đi bác sĩ.
Nghe khách là nhà báo, cụ Dương nói "khoan chụp hình vì mấy ngày nay chưa chỉnh trang nên “cửu trùng đài” nhìn lếch thếch lắm". Cụ bảo chúng tôi để mười hôm nữa cụ sửa lại cho đẹp rồi hãy chụp hình! Rồi cụ khoe đã xây được 9 tầng nhưng cây gòn vẫn còn vượt cao nên dự định sẽ xây thêm cho đủ 10 tầng. “Mấy ngày nay nóc tầng thứ 9 bị dột nên hôm gặp mưa ngủ trưa không ngon. Nhờ mấy đứa cháu lên phụ sửa nhưng leo lên được tầng thứ 6 thấy lắc lư nên ngán!”, cụ Dương nói.
Khi cụ leo lên căn nhà kỳ quái này chúng tôi cũng leo theo. Căn nhà đan dọc ngang kết lại bằng các thanh tre cứ như rung lên khi thân cây gòn đung đưa theo gió. Các mảnh ván lót nhiều tấm đã mục nên người không quen vừa đặt chân lên nghe cái bụp đã hết hồn. Mấy thanh tre buộc chằng chéo bằng dây tạm, dây chì đã cũ, nhìn rất nguy hiểm. Tuy vậy, cụ Dương vẫn cứ leo thoăn thoắt và luôn miệng giục chúng tôi “leo lẹ lên!”.
Chốc chốc, cụ lại la, coi chừng vướng bẫy. Hóa ra cái bẫy là mấy tổ ong lá bám trên các thanh tre. "Leo lên xuống hoài nên lũ ong quen hơi, chứ người lạ rất dễ bị ong đốt!", cụ nói.
Khi nhắc đến cụ Dương cất nhà sống trên cây ai cũng bảo cụ khỏe thật, với tuổi ấy đi lên xuống cầu thang cao đã khó khăn, còn đằng này cụ lại leo trèo lên cái nhà cao hơn 10 m lại làm bằng tre mới đáng nể. Còn con cháu cụ nói, mấy năm trước, cụ ngủ đêm luôn trên cây, nhưng sau này con cháu phản đối quá vì ban đêm giông bão có bề gì sao leo xuống kịp.
Nghe vậy cụ hứa chỉ leo lên ban ngày, còn ban đêm xuống đất ngủ trong nhà. Rồi con cháu ép quá nên cụ cũng đồng ý trời mưa to không leo lên căn nhà trên cây. Cụ bảo với con cháu, nhờ leo trèo tập luyện mà chân tay cụ dẻo dai, lên cao nghe tiếng chim, gió mát nên tinh thần sảng khoái…