Bảo đảm kiểm soát quyền lực tốt hơn
Theo PGS.TS Bùi Thị An, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế. Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, là cơ sở để tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, rõ trách nhiệm và kiểm soát quyền lực tốt hơn. “Các nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ thiết lập cơ chế rõ ràng, thực chất hơn để kiểm soát quyền lực trong cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp”, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội nhận định.
Tán thành cao với việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, bà Bùi Thị An khẳng định, các nội dung sửa đổi, bổ sung không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật mà còn là bước tiến về thể chế, khẳng định vai trò và thực quyền của MTTQ Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Phân tích, PGS.TS Bùi Thị An chỉ ra rằng, trong Hiến pháp năm 2013, Điều 9 đã quy định rất rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Mặt trận đại diện cho tiếng nói của Nhân dân, là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp lần này càng khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam. Mặt trận vẫn là “liên minh chính trị”, “liên hiệp tự nguyện” nhưng sẽ được giữ vai trò chủ động hơn trong xây dựng chính sách, trong giám sát phản biện và thậm chí chủ động hơn cả trong kiến nghị lập pháp. Các quy định này sẽ góp phần thay đổi rõ ràng vị trí của Mặt trận, với vai trò được nâng lên rất cao.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, với việc sửa đổi Điều 9, mặt tổ chức của Mặt trận sẽ vững mạnh hơn. Bởi, trước đây, các tổ chức chính trị - xã hội tuy vẫn nằm trong liên minh nhưng hoạt động khá độc lập, nay sẽ được thu về một mối, nên sức mạnh sẽ được nâng lên, thể hiện vai trò vị trí thay đổi mang tính chất định lượng. Từ đó, Mặt trận trở thành kênh chính trị pháp lý để Nhân dân có thể tham gia quản lý nhà nước, với vị trí được nâng lên, chủ động hơn.
Để MTTQ Việt Nam xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị và đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc, PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị cần nghiên cứu, cụ thể hóa quyền của MTTQ Việt Nam trong việc trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Việc này rất khả thi bởi MTTQ Việt Nam là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng, ý kiến đa chiều từ Nhân dân và các tầng lớp xã hội. Thêm vào đó, việc thực hiện quyền này là bảo đảm cho Nhân dân tham gia xây dựng pháp luật một cách thực chất, thông qua đại diện hợp pháp là Mặt trận, nhất là trong bối cảnh các tổ chức chính trị - xã hội sẽ trực thuộc Mặt trận. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu phát huy dân chủ và trách nhiệm giám sát quyền lực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, PGS.TS Bùi Thị An nêu rõ.
Bổ sung quyền chủ động phản biện xã hội của Mặt trận
Cùng với đó, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quyền chủ động tổ chức hoạt động phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, dự án có ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân mà không phụ thuộc vào đề nghị của các cơ quan, tổ chức khác. Nêu lý do, PGS.TS Bùi Thị An chỉ ra rằng, thực tế cho thấy, nhiều vấn đề bức thiết trong đời sống Nhân dân cần được phản biện sớm, nếu chỉ chờ lấy ý kiến thì không kịp thời. Ngoài ra, quyền chủ động phản biện sẽ giúp nâng cao hiệu quả của Mặt trận, thể hiện đúng vai trò người đại diện cho Nhân dân giám sát và phản biện xã hội để góp phần phòng ngừa rủi ro chính sách, tăng tính minh bạch và thực tiễn của các quyết định quản lý nhà nước.
![]() |
PGS.TS Bùi Thị An. (Ảnh: VGP). |
PGS.TS Bùi Thị An cũng đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam để cụ thể hóa quyền hiến định mới, sau khi Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 được thông qua.
Bà Trịnh Huyền Thái, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã nâng tầm vai trò, vị trí, khẳng định thực quyền của MTTQ Việt Nam. Theo bà Trịnh Huyền Thái, việc quy định các tổ chức chính trị xã hội lớn, trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của Mặt trận là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương, tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh, không làm mất tính chủ động đặc thù của từng tổ chức thành viên thì cần cụ thể hóa cơ chế chủ trì. Bên cạnh đó, cần có cơ chế pháp lý bảo đảm hiệu quả hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội, khắc phục tình trạng né tránh, hình thức sau giám sát phản biện. Vì vậy, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội đề nghị cần sửa đổi tiếp theo trong Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực MTTQ Việt Nam và các tổ chức cùng cấp.