Cử tri đề nghị 'bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ vì tiêu cực', Bộ GD&ĐT nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ vì cử tri cho rằng, hiện nay nhiều tiêu cực nảy sinh trong việc "chạy điểm", "làm đẹp" học bạ ở các nhà trường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến.

Trong văn bản trả lời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh.

Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ GD&ĐT (Điều 6 quy định về phương thức tuyển sinh) đã cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.

"Dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, trách nhiệm của các nhà trường phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.

Từ 2016 đến nay, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển đại học phổ biến với những ưu điểm như giúp thí sinh chủ động lựa chọn thời gian xét tuyển, giảm áp lực thi cử đối với kỳ thi tốt nghiệp, cơ hội chọn ngành nghề đa dạng, tiêu chí và điều kiện xét tuyển dựa trên kết quả học tập trong suốt quá trình chứ không bị phụ thuộc vào một kỳ thi duy nhất. Hầu hết trong số hơn 240 trường đại học, học viện trên cả nước dành chỉ tiêu cho phương thức này.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, năm 2022, các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. Tỷ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ hai trong 18 phương thức, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (52,3%).

Cũng theo thông tin từ Bộ, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành quy chế tuyển sinh mới nhưng sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, giao diện… trên phần mềm của Hệ thống tuyển sinh chung. Qua đó, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và thí sinh trong quá trình xét tuyển; hạn chế tối đa nhầm lẫn.

Đọc thêm