Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục, Phó Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, buổi làm việc nhằm kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Xăng dầu. Kể từ đầu năm 2017 đến nay, Tập đoàn đã được Chính phủ, Thủ tướng giao 9 nhiệm vụ, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, còn 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn chưa quá hạn.
Ngoài ra, buổi làm việc còn nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các giải pháp thúc đẩy đảm bảo mục tiêu tăng trưởng; đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, ghi nhận và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của Tập đoàn để báo cáo Thủ tướng.
Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Tập đoàn báo cáo, làm rõ về một số vấn đề và có giải pháp xử lý, trước hết là việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng trong thúc đẩy tiêu thụ xăng E5; giải quyết các khúc mắc, hạn chế trong tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước; đảm bảo an toàn lao động cho người lao động. “Đặc biệt hiện nay thương hiệu Petrolimex vẫn tiếp tục bị xâm phạm nghiêm trọng. Cụ thể, rất nhiều cửa hàng xăng dầu không thuộc hệ thống Petrolimex nhưng vẫn tự ý sử dụng các nhãn hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ”, ông Nguyễn Cao Lục thông tin.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Thành viên Tổ công tác đề nghị Petrolimex làm rõ thêm một số nội dung. Trong đó, Báo cáo của Tập đoàn chưa nêu vấn đề quản trị nội bộ và hệ thống cải cách hành chính, vấn đề vốn đầu tư ngoài ngành như thế nào?. Liên quan đến vấn đề thoái vốn chậm, Tập đoàn cần chốt lại và cam kết về thực hiện việc thoái vốn để Tổ công tác Báo cáo của thủ tướng trong Phiên họp Chính phủ sắp tới. “Đây là một trong những nội dung quan trọng, Thủ tướng luôn lưu ý Tổ công tác khi làm việc với các bộ ngành, cơ quan”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nói.
Áp dụng các giải pháp tự động hóa
Giải trình các vấn đề, ông Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, năm 2017, tổng doanh thu của Tập đoàn là hơn 153 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.784 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 38 nghìn tỷ. Tám tháng đầu năm 2018, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 3.430 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 29 nghìn tỷ đồng bằng 90% kế hoặc và 120% so với cùng kỳ.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, ông Thanh cho biết, Tập đoàn sẽ xây dựng lộ trình đầu tư và áp dụng các giải pháp tự động hóa, trước hết là khâu giao nhận để nâng cao năng suất lao động và ngăn ngừa tiêu cực, tăng mức độ an toàn. Về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, Petrolimex đã hoàn tất việc hình thành 6 Tổng công ty hoạt động hiệu quả theo mô hình công ty mẹ - công ty con, công ty cổ phần. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc PGBank và các lĩnh vực Petrolimex không cần giữ cổ phần chi phối.
Về thoái vốn nhà nước tại Công ty mẹ, ngày 4/7 vừa qua, Tập đoàn đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương để xem xét báo cáo Thủ tướng về phương án thoái vốn. Tập đoàn đề nghị cấp có thẩm quyền đồng ý nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên tới 49%, đồng thời chậm thoái vốn đến 2019-2020, thay vì 2018 như kế hoạch.
Tập đoàn Xăng dầu nói gì về xăng E5?
Liên quan đến vấn đề xăng sinh học E5, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trần Ngọc Năm cho biết thêm, tỷ lệ tiêu thụ xăng sinh học của Tập đoàn bình quân 8 tháng qua đạt 47%, trong khi trung bình cả nước là 40%. Hiện năng lực phối trộn xăng E5 của Tập đoàn là 8 triệu tấn mỗi năm, trong khi toàn bộ nhu cầu xăng dầu cả nước khoảng 18 triệu tấn. Ông Năm khẳng định năng lực phối trộn này có thể đáp ứng bất kỳ biến động nào; đồng thời Tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp khác nếu có nhu cầu. Hiện tại trên cả nước, chính người dân khu vực vùng núi sử dụng 100% xăng E5 và không thấy bà con có một phản hồi tiêu cực nào cả.
“Chúng tôi cho rằng vùng cao người dân e ngại xăng sinh học E5 vì cho rằng xăng ngậm nước và tạo độ ì cho máy. Nhưng thực tế người dân sử dụng rất tốt”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Ngọc Năm nói.
Vẫn theo lời Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn: “Trong năm nay, chúng tôi khẳng định sẽ hoàn thành các chỉ tiêu và nhiều chỉ tiêu sẽ hoàn thành vượt mức, sản lượng, lợi nhuận sẽ đạt tốt, nộp ngân sách gần 45 nghìn tỷ so với 31 nghìn tỷ kế hoạch.
Đề nghị dừng dự án lọc hoá dầu Nam Vân Phong
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng có kiến nghị gửi đoàn công tác. Ông Phạm Văn Thanh cho biết, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp dừng thực hiện tổ hợp lọc hoá dầu Nam Vân Phong để tập trung nguồn lực thực hiện các dự án khác.
Về kiến nghị của Tập đoàn, đại diện Vụ Công nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ cho biết, vào hồi tháng 1 năm nay, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương xem xét các đề xuất về chính sách ưu đãi mà nhà đầu tư mong muốn khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong lúc Bộ Công thương chưa báo cáo mà Petrolimex đã muốn rút lui, thì cần báo cáo cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ Tài Chính đồng tình với đề xuất mà Petrolimex nêu ra. “Đây cũng là kiến nghị của Bộ Tài chính tại văn bản khi tham gia góp ý cho dự án này trước đây”. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, hiện cả nước đã có hai nhà máy lọc dầu rất lớn là Dung Quất và Nghi Sơn, nên việc có thêm một dự án tương tự cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng không phải quá cấp thiết như trước.
Về vấn đề này, trong kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục đề nghị Bộ Công thương cần sớm có báo cáo chính thức lên Thủ tướng./.