Cuba bắt đầu sửa hiến pháp

(PLO) - Quốc hội Cuba ngày 2/6 đã bầu cựu chủ tịch kiêm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro đứng đầu Ủy ban soạn thảo các thay đổi trong hiến pháp để tạo cơ sở pháp lý cho việc mở cửa kinh tế và xã hội của đảo quốc.
Cựu chủ tịch kiêm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro.

Theo Tân Hoa xã, trong phiên họp đặc biệt của Quốc hội Cuba diễn ra ngày 2/6 vừa qua, 572 nghị sĩ đã bỏ phiếu đồng ý về quá trình xem xét về dự thảo Hiến pháp và bầu ra một ủy ban gồm 33 thành viên để soạn thảo văn bản này. Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới của Cuba do cựu chủ tịch kiêm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro đứng đầu và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Miguel Diaz-Canel làm Phó chủ tịch. 

Phát biểu trước Quốc hội Cuba, Chủ tịch nước này Diaz-Canel cho biết, Ủy ban sẽ có nhiệm vụ soạn ra dự thảo sơ bộ về bản Hiến pháp mới dựa trên “nguyên tắc công bằng xã hội và nhân văn” cũng như tuân thủ “quá trình không thể đảo ngược của chủ nghĩa xã hội, đoàn kết dân tộc”. Bản dự thảo này cũng sẽ vẫn xác định Đảng Cộng sản Cuba là lực lượng chính trị lãnh đạo đất nước như hiến pháp hiện tại. “Như tôi đã tuyên bố khi nhậm chức hôm 19/4, đồng chí Raul Castro Ruz vẫn sẽ dẫn dắt những quyết định lớn đối với hiện tại và tương lai của đất nước”, ông Diaz-Canel tuyên bố.

Theo Reuters, hiến pháp hiện nay của Cuba được thông qua vào năm 1976 và đã ba lần được sửa đổi vào các năm 1978, 1992 và 2002. Sự cần thiết phải có một bản hiến pháp mới được ông Castro đề cập lần đầu vào năm 2011, sau khi Cuba bắt đầu hàng loạt những biện pháp cải cách mang tính thận trọng nhằm mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như mở cửa cho lĩnh vực tư nhân nhằm đưa chủ nghĩa xã hội trở nên bền vững hơn ở Cuba. 

Dự kiến, Ủy ban soạn thảo sẽ mất khoảng sáu tháng để soạn ra dự thảo Hiến pháp mới. Bản dự thảo sau đó sẽ được đưa ra thảo luận trước Quốc hội để hoàn thiện trước khi được đưa ra trưng cầu ý kiến của hơn chín triệu người dân Cuba. 

Theo các dự đoán, hiến pháp mới của Cuba dự kiến sẽ bao gồm các điều khoản liên quan đến độ tuổi và giới hạn nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo chính trị của nước này. Ngoài ra, văn bản này cũng sẽ phản ánh những thay đổi trong xã hội Cuba hiện nay. Một số điều khoản trong hiến pháp hiện nay của Cuba, như quy định cấm công dân Cuba có thu nhập từ việc khai thác phần công việc của người khác đang đi ngược với những thay đổi đó. “Cuba phải đưa ra những thay đổi đáng kể trong hiến pháp theo hướng đa dạng hóa các thành phần kinh tế, mở đường cho sở hữu tài sản cá nhân, tự làm chủ bên cạnh hợp tác xã”, ông Julio Perez, một nhà phân tích chính trị tại Cuba nhận định. 

Cũng tại phiên họp đột xuất ngày 2/6, Quốc hội Cuba đã thông qua nghị quyết chính thức áp dụng đại trà mô hình chính quyền cấp tỉnh mới sau khi việc thực hiện thí điểm ở các tỉnh Artemisa và Mayabeque từ hồi đầu năm cho thấy những kết quả tích cực. Mô hình chính quyền mới này được cải tổ theo hướng bổ sung thêm vị trí phó chủ tịch cùng những điều khoản nhằm tạo điều kiện để chính quyền các địa phương có thể phản ứng nhanh hơn trước các diễn biến, thực hiện các hoạt động kinh doanh dưới danh nghĩa nhà nước một cách hiệu quả hơn.