Cục Bồi thường Nhà nước và Cục Trợ giúp pháp lý: Triển khai công tác năm 2024

(PLVN) - Sáng 8/1, Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) và Cục Bồi thường nhà nước (BTNN), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì Hội nghị, cùng điều hành có Cục trưởng Cục BTNN Nguyễn Văn Bốn và Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh.
Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Công tác BTNN được triển khai đồng bộ, toàn diện

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục BTNN Lê Thái Phương cho biết công tác BTNN năm 2023 được Cục BTNN triển khai đồng bộ, toàn diện 100% các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác BTNN và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt. Trong đó một số hoạt động trọng tâm đã hoàn thành đúng kế hoạch bảo đảm chất lượng như: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác BTNN; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác BTNN.

Phó Cục trưởng Cục BTNN Lê Thái Phương trình bày báo cáo.

Phó Cục trưởng Cục BTNN Lê Thái Phương trình bày báo cáo.

Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ được thực hiện hiệu quả. Cục đã phối hợp với Văn phòng Bộ trong việc theo dõi, thông tin báo chí, trả lời kiến nghị của các cơ quan, bộ, ngành; chủ động báo cáo Lãnh đạo Bộ các vụ việc được báo chí, dư luận quan tâm, nhất là hoạt động kiểm tra liên ngành, họp liên ngành để bàn, thống nhất biện pháp thực hiện quản lý nhà nước, giải quyết yêu cầu bồi thường đối với những vụ việc phức tạp trong cả ba lĩnh vực. Cùng với đó, đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Lãnh đạo Bộ về thực hiện công tác cải cách hành chính và hệ thống tài liệu quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, các quy định pháp luật về công tác bảo vệ bí mật nhà nước và an toàn an ninh mạng.

Tuy nhiên, công tác BTNN vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hình thức tiếp cận trực tiếp đến người dân còn hạn chế về số lượng; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về công tác BTNN; công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BTNN có lúc, có nơi chưa chủ động, thường xuyên, đặc biệt là phối hợp trong nắm bắt thông tin về công tác BTNN…

Số vụ việc và số lượng trợ giúp viên pháp lý đều tăng

Đối với công tác TGPL, Phó Cục trưởng Cục TGPL Vũ Thị Hoàng Hà cho biết: năm vừa qua, các nhiệm vụ được triển khai đồng bộ từ xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, theo dõi chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác TGPL ở địa phương được đặc biệt quan tâm ngay từ đầu năm, đồng chí Cục trưởng đã chỉ đạo các đồng chí Lãnh đạo Cục, các phòng chuyên môn nắm bắt, theo dõi sát sao tình hình tổ chức và triển khai công tác TGPL tại các địa phương thuộc lĩnh vực phụ trách để kịp thời đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phó Cục trưởng Cục TGPL Vũ Thị Hoàng Hà báo cáo tại Hội nghị.

Phó Cục trưởng Cục TGPL Vũ Thị Hoàng Hà báo cáo tại Hội nghị.

Công tác của các Trung tâm TGPL năm 2023 cũng đạt nhiều kết quả tích cực so với năm 2022: Số lượng trợ giúp viên pháp lý tăng mặc dù tổng số biên chế giảm; số lượng luật sư ký hợp đồng TGPL với Trung tâm tăng; số lượng vụ việc TGPL thực hiện tăng 30,67%; số vụ việc TGPL thụ lý mới tăng 24,21%; số vụ việc TGPL kết thúc tăng 19%. Hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL ngày càng được chú trọng, thực hiện hiệu quả. Hoạt động truyền thông được thực hiện linh hoạt và sáng tạo thu hút được sự quan tâm của người dân, từ đó giúp người dân biết, tiếp cận dịch vụ TGPL và thực hiện quyền TGPL khi có yêu cầu.

Bên cạnh kết quả đạt được, Lãnh đạo Cục cũng chỉ ra một số khó khăn về cơ sở vật chất; hoạt động thực hiện vụ việc TGPL tại địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số còn khó khăn; số lượng TGPL so với nhu cầu của người dân còn thiếu, trình độ không đồng đều; công tác phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức khác còn chưa thường xuyên…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận để góp ý dự thảo báo cáo của 2 đơn vị đồng thời đưa ra các đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác BTNN và TGPL trong thời gian tới như tăng cường công tác truyền thông; mở rộng mạng lưới trợ giúp viên pháp lý; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn;…

Bám sát phương châm điều hành của Chính phủ với tinh thần 5 quyết tâm

Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận kết quả 2 đơn vị đạt được trong năm vừa qua. Mặc dù nhiều công việc phát sinh so với các năm trước nhưng 2 đơn vị vẫn chủ động, triển khai các nhiệm vụ đúng thời hạn.

Thứ trưởng đã điểm lại một số kết quả nổi bật trong công tác BTNN và TGPL. Theo đó, Cục BTNN đã tiến hành sơ kết 5 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước, trong đó kết quả quan trọng không chỉ thể hiện ở những vụ việc đã hoàn thành mà còn thể hiện ở nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thực thi công vụ đã được nâng cao đồng thời thể hiện được chủ trương nhân văn của Nhà nước; các hoạt động của Cục BTNN đã hướng về cơ sở, đạt nhiều kết quả cụ thể.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo.

Đối với công tác TGPL đã có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Với các số liệu như báo cáo đã nêu, Thứ trưởng đánh giá để đạt được kết quả này là nhờ sự phối hợp hiệu quả của Cục TGPL với các cơ quan trong và ngoài Bộ; công tác hướng về cơ sở được Cục thực hiện tốt.

Thứ trưởng nhấn mạnh năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, do vậy yêu cầu 2 đơn vị nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Theo đó, Thứ trưởng lưu ý cần bám sát phương châm điều hành của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, với tinh thần “Năm quyết tâm”. Cùng với đó bám sát các nội dung trọng tâm mà Bộ trưởng đã chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024; tiếp tục nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội trong lĩnh vực công tác đồng thời cũng cần nghiên cứu rộng hơn để đảm bảo gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh.

Thứ trưởng cũng yêu cầu 2 Cục tiếp tục nghiên cứu các VBQPPL trong lĩnh vực của mình và các lĩnh vực khác để kịp thời đề xuất sửa đổi các quy định chưa phù hợp, quan tâm cắt giảm thủ tục hành chính. Trong công tác BTNN, những lĩnh vực chưa hoàn thành hoặc nhiệm vụ còn chậm tiến độ, cần làm rõ nguyên nhân để khắc phục. Trong công tác TGPL cần đảm bảo tốt nhất quyền được TGPL của người dân.

2 đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp độ cao hơn, cần tính đến định hướng chuyển đổi số trong các dự án, quy trình chuyên môn. Tăng cường công tác truyền thông; quan tâm bố trí các nguồn lực; chủ động báo cáo cấp uỷ đơn vị về những nội dung quan trọng, phức tạp…

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Văn phòng Bộ tập hợp đề xuất chính thức xem lĩnh vực nào cần có Quy chế phối hợp ở cấp độ Bộ, cấp độ Ban Cán sự Đảng để giúp các đơn vị giải quyết công việc thuận lợi.

Cục trưởng Cục BTNN Nguyễn Văn Bốn tiếp thu ý kiến chỉ đạo

Cục trưởng Cục BTNN Nguyễn Văn Bốn tiếp thu ý kiến chỉ đạo

Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh tiếp thu ý kiến chỉ đạo

Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh tiếp thu ý kiến chỉ đạo

Một số hình ảnh đại diện các đơn vị phát biểu tại Hội nghị:

Đọc thêm