Với tư cách Lãnh đạo Bộ phụ trách đơn vị, Thứ trưởng nhận thấy đâu là dấu ấn trưởng thành của Cục CNTT?
- Sự phát triển của Cục CNTT trong 15 năm qua là mạnh mẽ và song hành cùng sự phát triển của Bộ và Ngành Tư pháp trong giai đoạn bùng nổ CNTT và Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bước phát triển của Cục, tôi ấn tượng nhất ba vấn đề:
Thứ nhất, sự phát triển mạnh mẽ về chức năng, nhiệm vụ và đi cùng với đó là tổ chức bộ máy, biên chế. Nhìn vào thời điểm năm 2003, Bộ Tư pháp thành lập Trung tâm Tin học với vai trò “khiêm tốn” là đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng xây dựng, phát triển, nghiên cứu ứng dụng và khai thác CNTT phục vụ hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp.
Những ngày đầu tiên với vô vàn khó khăn cả về nhân sự với chỉ 6 người, hạ tầng CNTT và đặc biệt là “rào cản” nhận thức chung về vị trí, vai trò của CNTT trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành và đơn vị.
Năm 2008 đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của Trung tâm Tin học cùng với việc đổi tên chính thức thành Cục CNTT; chức năng, nhiệm vụ của Cục được mở rộng. Hiện nay, triển khai Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, Cục CNTT có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động ứng dụng CNTT, viễn thông trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ và cung cấp dịch vụ CNTT theo quy định của pháp luật. Để thực hiện tốt được các chức năng, nhiệm vụ ngày càng nhiều thì tổ chức bộ máy, biên chế của Cục CNTT cũng được tăng cường đáng kể và tới nay có gần 30 cán bộ công chức, viên chức (tăng gần gấp 3 lần so với ngày đầu thành lập), 3 phòng và 1 Trung tâm.
Thứ hai, Cục CNTT đã khẳng định được chỗ đứng, vai trò quan trọng trong sự phát triển của Bộ, Ngành Tư pháp mà có thể nói là “vai trò không thể thiếu được” trong công tác tư pháp. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT một cách ngày càng thực chất, hiệu quả trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã giúp nâng cao hiệu quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.
Cục CNTT hiện đang trực tiếp quản lý, duy trì Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất nước với tất cả các văn bản được ban hành ở các cấp Trung ương và địa phương trên lãnh thổ Việt Nam, trở thành địa chỉ, nguồn thông tin pháp luật đáng tin cậy cho các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cục đã xây dựng và đưa vào vận hành nhiều phần mềm, Cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ trong nhiều lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành Tư pháp.
Trong đó, nổi bật là triển khai Dự án “Thí điểm thiết lập Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch”. Đến nay, Hệ thống đã được Bộ Tư pháp triển khai tại 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vượt kế hoạch 36 địa phương so với mục tiêu đề ra ban đầu. Việc đưa vào vận hành Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch là một bước tiến có tính “cách mạng” trong việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý và giải quyết các yêu cầu của người dân thuộc lĩnh vực tư pháp.
Cùng với việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc trong thời gian tới có khả năng kết nối, chia sẻ và tích hợp với các cơ sở dữ liệu khác trong và ngoài Ngành Tư pháp thì vị trí, vai trò của Cục CNTT chắc chắn sẽ được nâng cao hơn nữa.
Cục cũng đã tham mưu Bộ Tư pháp xây dựng Cổng dịch vụ công tập trung, thống nhất nhằm tích hợp, cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực: Đăng ký giao dịch bảo đảm; Đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Bổ trợ tư pháp, Con nuôi.
Riêng lĩnh vực Đăng ký giao dịch bảo đảm đạt mức độ 4 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến - đây là dịch vụ công đầu tiên trong Ngành Tư pháp cung cấp trực tuyến ở mức độ cao nhất, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi đăng ký và tra cứu thông tin về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Vừa qua, theo kết quả đánh giá, xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hồi tháng 7/2018, Bộ Tư pháp xếp thứ 3/19 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Riêng Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp trong nhiều năm qua luôn được đánh giá là Cổng thông tin điện tử có số lượng truy cập nhiều nhất trong số các Cổng thông tin của bộ, ngành. Cũng theo kết quả đánh giá xếp hạng, Bộ Tư pháp đứng đầu về chỉ số Trang/Cổng thông tin điện tử. Còn theo thống kê của Trang Alexa, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp luôn nằm trong Top 500 website được truy cập nhiều nhất.
Thứ ba, không thể không nói tới ấn tượng của tôi về những nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục CNTT. Tập thể này đã phải vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức. Trong đó phải kể đến rào cản về “nhận thức”, nhất là những năm đầu tiên của không ít các đơn vị khác, các cán bộ tư pháp cũng e ngại ứng dụng CNTT trong xử lý công việc, để tới được những kết quả ngày nay là sự đồng hành, hỗ trợ nhau giữa các đơn vị chuyên môn và Cục CNTT hướng tới mục tiêu chung là một thành công lớn của tập thể Cục CNTT thông qua những việc làm cụ thể, kết quả công việc cụ thể - một cách thuyết phục rất hay của giới kỹ thuật CNTT Bộ Tư pháp.
Nói gọn lại là Cục CNTT đã giúp các đơn vị và cán bộ tư pháp thay đổi nhận thức theo hướng tích cực trong ứng dụng CNTT. Giờ đây chỉ số về ứng dụng CNTT đã trở thành một tiêu chí tính điểm thi đua đối với các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự.
Có thể khẳng định, Cục CNTT đã làm tốt vai trò của mình trong việc giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện việc ứng dụng CNTT trong toàn Ngành Tư pháp, góp phần vào thành công chung của Bộ, Ngành. Điều này không chỉ được Lãnh đạo Bộ biểu dương, khen thưởng mà còn được Đảng, Nhà nước ghi nhận như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 và đặc biệt năm 2018 - nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, Cục vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Vậy có những tồn tại, hạn chế nào cần khắc phục không, thưa Thứ trưởng?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn thừa nhận việc triển khai và ứng dụng CNTT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trước hết, so với yêu cầu phát triển của đất nước và Bộ, Ngành Tư pháp thì việc ứng dụng CNTT vẫn còn chậm hoặc chưa vào được một số mảng công việc đang là thách thức đối với công tác tư pháp.
Việc xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tư pháp còn chậm dẫn đến chưa rõ hình hài ở tầm chiến lược, thứ tự ưu tiên ứng dụng CNTT; mục tiêu hạn chế dùng văn bản giấy kể cả báo cáo, tổ chức họp, hội nghị, hội thảo tập trung (nói cách khác là phải tăng cường trực tuyến) đang gặp nhiều thách thức hoặc triển khai thiếu đồng bộ; việc xây dựng một số cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực của Bộ Tư pháp còn chậm, nhiều khó khăn; một số ứng dụng CNTT chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư...
Thứ hai, đội ngũ cán bộ kỹ sư CNTT còn mỏng và việc tuyển dụng, thu hút kỹ sư CNTT giỏi vào làm việc tại Bộ Tư pháp gặp nhiều khó khăn, thậm chí việc giữ các kỹ sư giỏi hiện có đang là thách thức.
Cuối cùng, việc ứng dụng CNTT có thành công hay không thì không chỉ phụ thuộc vào Cục CNTT – đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật mà còn phụ thuộc nhiều vào các đơn vị chuyên môn khai thác, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật. Mặc dù nhận thức đã thay đổi đáng kể, nhưng sự phối hợp giữa các đơn vị đòi hỏi cần nhiều hơn sự cố gắng, nỗ lực từ tất cả.
Để khắc phục những tồn tại trên và không thể nằm ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Tư pháp sẽ làm gì để tăng cường ứng dụng CNTT hơn nữa vào các hoạt động của Bộ, Ngành?
- Với chủ trương của Chính phủ là phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam mà mới đây nhất ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.
Điều này cho thấy, yêu cầu về ứng dụng CNTT của Chính phủ trong giai đoạn mới là hết sức quyết liệt và khẩn trương. Yêu cầu này ngày càng quan trọng hơn khi triển khai thực hiện các Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương VI về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với những nhiệm vụ về cắt giảm biên chế, tinh gọn bộ máy.
Trước hết, Bộ Tư pháp sẽ rà soát lại, đánh giá lại xem cái gì chúng ta đang có, cái gì còn thiếu, cái gì đang làm tốt, cái gì chưa làm tốt - cả về mặt thể chế lẫn tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó cùng với định hướng của Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ định hướng lại việc ứng dụng CNTT trong giai đoạn tới đây, đề cao hiệu quả, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, tạo sự đồng thuận vào cuộc của tất cả các đơn vị trong ứng dụng CNTT. Bộ sẽ phấn đấu để luôn giữ được vị trí cao trong ứng dụng CNTT nhằm giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác.
Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, việc ứng dụng CNTT được coi là giải pháp rất quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ và thúc đẩy phát triển. Trong đó, việc đầu tư năng lực hạ tầng cơ sở CNTT và thu hút nhân tài CNTT sẽ đặc biệt được quan tâm. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ cần phải sử dụng và khai thác triệt để các Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu và Phần mềm đã có để thực hiện nhiệm vụ.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!