Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần có cơ chế xử lý các doanh nghiệp không công bố thông tin đầy đủ, nghiêm túc

(PLVN) -  Ngày 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).
Quang cảnh phiên làm việc ngày 13/5. (Ảnh trong bài: Cổng TTĐTQH)
Quang cảnh phiên làm việc ngày 13/5. (Ảnh trong bài: Cổng TTĐTQH)

Làm rõ quy định về sở hữu nhà nước

Nêu băn khoăn về vấn đề sở hữu nhà nước, Đại biểu (ĐB) Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, theo luật pháp Việt Nam, khi nhà đầu tư đã góp tiền và tài sản vào trong DN thì phải chuyển quyền sở hữu tiền và tài sản đó thành sở hữu của DN nhưng theo dự thảo Luật, không còn sở hữu của nhà đầu tư thì nhà đầu tư sở hữu gì? Nhận thấy theo dự thảo Luật quy định thì Nhà nước không sở hữu tài sản, không sở hữu tiền vốn sau khi đã góp vào DN, ĐB đề nghị phải bổ sung trở lại khái niệm vốn nhà nước đã đầu tư vào DN và được xác định rõ đó là phần vốn góp cổ phần trong tỷ lệ sở hữu nhà nước tại DN như dự thảo trước đây.

Tương tự, liên quan về chuyển nhượng vốn của Nhà nước tại DN, cổ phần vốn nhà nước, ĐB Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cũng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của Nhà nước tại DN. Trong trường hợp bên mua trung thực, tình ngay, không biết và không có nghĩa vụ phải biết trước những sai phạm của bên bán trong quá trình giao dịch thì quyền tài sản của bên mua đối với phần vốn đã được mua xem như được pháp luật bảo vệ trong các trường hợp đấu giá công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục, không có gian lận, có nhiều người tham gia đấu giá độc lập thì kết quả đấu giá phải được pháp luật bảo vệ.

ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) đề nghị rà soát quy định dự thảo Luật về giám sát, thanh tra theo hướng dẫn, theo hướng cần phân định rõ người, rõ công việc thực hiện. Đồng thời, về công khai thông tin hoạt động của DN, ĐB thấy rằng, trên thực tế, việc công bố thông tin của các DN nhà nước vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, có những DN tuân thủ rất tốt các quy định công bố thông tin nhưng cũng không ít DN chưa thực hiện nghiêm túc như là không công bố hoặc công bố rất chậm. Điều này có thể sẽ làm giảm về hiệu quả giám sát của xã hội đối với các DN, trong đó có DN nhà nước, đặc biệt là các DN cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân.

Do đó, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về biện pháp để bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ công bố thông tin này và có thể cân nhắc một số cơ chế như nêu tên hoặc xử phạt hành chính hay đối với các trường hợp các DN, trong đó có DN nhà nước thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công bố thông tin.

Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp

Báo cáo làm rõ thêm một số nội dung được các ĐB quan tâm góp ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, thay đổi căn bản của Luật sửa đổi lần này là Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại DN nhà nước, tại DN bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Từ đó, ông giải trình, nếu Luật hiện hành là quản lý DN có vốn góp của Nhà nước thì lần này sửa đổi là chỉ quản lý phần vốn của Nhà nước tham gia vào DN. Vì thế, dự thảo Luật xác định là Nhà nước chỉ có tham gia góp vốn và thực hiện quyền của mình trên cơ sở cổ phần và phần vốn góp của mình, còn đã góp vốn vào là phải tôn trọng DN và khi đã góp vốn vào thì nguồn vốn đấy sẽ hình thành tài sản của DN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Đối với công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN, Bộ trưởng Thắng chia sẻ, trong quy định của Luật không đề cập về vấn đề thanh, kiểm tra nên nhiều ĐB lo ngại có thể xảy ra thất thoát. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, cùng với việc phân cấp, trao quyền tự chủ cho DN, dự thảo Luật đã bổ sung quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào DN, quản lý vốn nhà nước tại DN, bổ sung quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý bảo toàn và phát triển vốn của DN, chịu trách nhiệm giải trình các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN theo yêu cầu, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty không được tiếp tục làm người đại diện chủ sở hữu trực tiếp khi thực hiện không đúng các nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc là trong trường hợp có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của DN và gắn trách nhiệm của người đứng đầu, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN…

Bên cạnh Luật này, các DN còn phải tiếp tục tuân thủ các luật hiện nay, chẳng hạn như Luật DN, để bảo đảm các DN hoạt động vừa hiệu quả vẫn kiểm soát được. Còn đối với công tác thanh, kiểm tra, theo Bộ trưởng Thắng, vẫn được triển khai thực hiện theo các quy định về thanh tra về kiểm toán theo hướng tăng cường hậu kiểm, bảo đảm tính tự chủ cho các DN.

Đọc thêm