Ngoài ra, một số ĐKV thực hiện không thống nhất với cùng một nội dung kiểm định phương tiện, có hiện tượng bỏ sót hạng mục, nội dung kiểm tra trong quá trình kiểm định. Có hiện tượng kiểm định xe lắp biển kiểm soát màu vàng giả để được "phù phép" thành xe kinh doanh vận tải, đồng thời cấp thời hạn kiểm định lần tới cho một số phương tiện không đúng quy định.
Một số TTĐK tự ý thực hiện không đúng quy định nghiệm thu lại để cấp lại giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm định xe, tránh sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, Cục Đăng kiểm đã có văn bản gửi các Sở GTVT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát chấn chỉnh công tác kiểm định xe cơ giới và phòng, chống tiêu cực.
Cục Đăng kiểm đề nghị các Sở GTVT lưu ý thực hiện duy trì việc kết nối dữ liệu camera giám sát hoạt động kiểm định; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp ĐKV, TTĐK bỏ qua hạng mục kiểm tra hoặc thực hiện kiểm tra cho các xe vi phạm; đối chiếu thông tin trên giấy chứng nhận kiểm định so với thông tin về hồ sơ phương tiện, nếu có sai khác thì xử lý theo quy định…
Các TTĐK, ĐKV và nhân viên nghiệp vụ không được tùy tiện, tự ý đưa ra các yêu cầu hoặc hướng dẫn chủ phương tiện thực hiện không đúng quy định pháp luật.
Trường hợp xe tải cơi nới thành, thùng hàng sai khác với hồ sơ phương tiện đến kiểm định, thì TTĐK kiểm tra, đánh giá và cấp thông báo không đạt; đồng thời đăng nhập lên phần mềm cảnh báo xe cơ giới, thông báo cho cơ quan cảnh sát giao thông tại địa phương.
Công bố, duy trì số điện thoại đường dây nóng và số điện thoại lãnh đạo Sở GTVT phụ trách đăng kiểm để tiếp nhận, xử lý phản ánh.
Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ quy định về kiểm định để ban hành trong thời gian tới; đề nghị các Sở GTVT, TTĐK nghiên cứu và sớm có các ý kiến góp ý để cơ quan soạn thảo kịp thời tiếp thu, hoàn thiện trình ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng.