Cục Điện ảnh lên tiếng về bộ phim “Đất rừng phương Nam”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước những chi tiết gây tranh cãi trong phim "Đất rừng phương Nam", ông Vi Kiến Thành , Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã họp và có một số chỉnh sửa cho tác phẩm.
Phim "Đất rừng phương Nam"
Phim "Đất rừng phương Nam"

Sẽ sửa nội dung và lời thoại phim "Đất rừng phương Nam"

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, ngày 14/10,Hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phimĐất rừng Phương Namtheo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL. Sau đó, Cục cũng đã mời nhà sản xuất, đoàn phim đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim.

Theo ông Thành, nhà sản xuất sẽ bỏ tên và lời thoại liên quan đến "Thiên Địa hội", "Nghĩa Hòa đoàn" và thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài. Sự thay đổi này để tránh sự liên tưởng đến hội nhóm từ thời nhà Thanh, Trung Quốc.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết thêm, nhà sản xuất, đoàn làm phim sẽ khẩn trương chỉnh sửa nội dung này, tránh những liên tưởng không đúng ảnh hưởng đến nội dung phim. Sau khi chỉnh sửa, nhà sản xuất sẽ trình lên Cục Điện ảnh trước khi ra rạp chính thức từ ngày 20/10.

Sau một số tranh cãi, phía nhà sản xuất của "Đất rừng Phương Nam" sẽ chỉnh sửa một số chi tiết trong phim

Sau một số tranh cãi, phía nhà sản xuất của "Đất rừng Phương Nam" sẽ chỉnh sửa một số chi tiết trong phim

Nhà sản xuất phim Quang Minh cho biết, phần thoại trong phim sẽ chuyển từ "Nghĩa Hòa đoàn" thành "Nam Hòa đoàn" và "Thiên Địa hội" thành "Chính Nghĩa hội".

Ngoài ra, nhà sản xuất sẽ đưa dòng chữ: "Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyếtĐất rừng phương Namcủa nhà văn Đoàn Giỏi" lên đầu phim nhằm làm rõ hơn ý đồ của nhà làm phim về sự thay đổi mốc thời gian trong tác phẩm văn học, theo sát hơn bản phim truyền hình vốn đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Nhà sản xuất Quang Minh cho biết, việc một bộ phim vừa ra mắt nhận được những ý kiến trái chiều không hiếm. Khán giả cũng là những người có trình độ, qua "lăng kính" của người xem, những chi tiết không hợp lý cũng được chỉ ra nhằm làm tác phẩm hay hơn.

Cục trưởng Vi Kiến Thành chia sẻ thêm: "Chúng tôi tôn trọng mọi ý kiến để làm bộ phim hay và hấp dẫn hơn. Hy vọng những điều chỉnh này sẽ làm cho khán giả yêu mến bộ phim hơn".

Bộ phim gặp nhiều chỉ trích

Trước đó, sau khi bộ phim Đất rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa ra mắt, khán giả đã có nhiều ý kiến trái chiều về những chi tiết lịch sử ở vùng đất Nam Bộ đầu thế kỷ 20.

Bên cạnh những hình ảnh đẹp, giàu cảm xúc, một số người cho rằng, đạo diễn Quang Dũng và ê-kíp đã thể hiện chưa đúng, chưa rõ một số chi tiết, gây hiểu lầm với khán giả...

Nhiều người cho rằng phim được giới thiệu lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi nhưng thực tế phim ra rạp lại khác xa nguyên tác; thậm chí vai trò của bé An (nhân vật chính) còn bị lu mờ so với tuyến phụ.

Đặc biệt, nhiều ý kiến trái chiều về nội dung, cho rằng nhiều tình tiết trong phim đã xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, hạ thấp vai trò Việt Minh...

Trong một bài viết đến nay đã có hơn 11.000 lượt thích và 4.600 lượt chia sẻ, Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân cho rằng sự hư cấu trong phim làm "sai lệch lịch sử".

Bài viết của Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân

Bài viết của Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân

Trích dẫn các tài liệu lịch sử, bà Hà Thanh Vân nhận định phong trào yêu nước kháng Pháp của Thiên Địa hội có diễn ra ở miền Nam, song kết thúc vào năm 1916, sau cuộc nổi dậy cứu ông Phan Xích Long (người được tôn làm thủ lĩnh các hội kín Nam Kỳ). Trong tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi, câu chuyện diễn ra vào cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ năm 1945 không nhắc đến các hội nhóm này. Còn phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có bối cảnh vào thập niên 1920-1930, cải biên so với truyện.

Theo tiến sĩ Hà Thanh Vân, dù phim chỉ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết, êkíp nên chọn một tên khác để không quá lệ thuộc vào nguyên tác, cũng như bị quy chiếu từ không gian lịch sử của tác phẩm gốc.

"Trong một phim như Đất rừng phương Nam, không ai đòi phải giống như nguyên tác, thậm chí có thể là hư cấu. Nhưng nên hư cấu như thế nào cho phù hợp với sự thật lịch sử, tránh đi quá đà", bà Vân nói.

Bên cạnh những tranh luận về lịch sử, trang phục của một số nhân vật trong phim và MV nhạc phim cũng dẫn tới những tranh luận vì không giống với áo bà ba truyền thống của người Nam Bộ. Thậm chí, nhân vật do diễn viên Trấn Thành đóng có cách quấn khăn rằn cũng có nhận xét rằng không giống với đời thực lúc bấy giờ, thậm chí nhiều người còn hài hước nói rằng chiếc khăn rằn mà anh sử dụng trong phim là hàng “ngoại nhập”.

Nhiều khán giả đưa ý kiến trên mạng xã hội: "Bản truyền hình ngày xưa phục trang đơn sơ mà có hồn Việt. Bản này thì không", "Tại sao Trấn Thành mặc trang phục cách tân như vậy? Không giống chất miền Nam của bác Ba Phi bản truyền hình"...

Diễn viên Trấn Thành trong vai bác Ba Phi

Diễn viên Trấn Thành trong vai bác Ba Phi

Ngoài ra, có cư dân mạng đặt câu hỏi: "Nông thôn miền Tây vốn dĩ chân chất mộc mạc, từ trong sinh hoạt đến trong sự đấu tranh cho quê hương nhưng trong MV của một bộ phim làm lại từ tác phẩm kinh điển về miền Tây lại có những diễn viên mặc trang phục không sát lịch sử?".

Hiện những tranh luận đang nối tiếp nhau khiến phim "Đất rừng phương Nam" thành chủ đề nóng trên mạng xã hội và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.