Theo đó, Cục HHVN cho biết, ngay từ ngày 31/7/2021, Cục trưởng Cục HHVN đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị có liên quan để họp bàn các phương án, giải pháp tập trung xử lý các khó khăn vướng mắc.
Đến ngày, 1/8/2021, Cục trưởng Cục HHVN đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-CHHVN về việc thành lập Sở chỉ huy tiền phương của Cục tại TP Hồ Chí Minh để trực tiếp chỉ đạo, điều hành các giải pháp đảm bảo duy trì hoạt động của các cảng Cát Lái và các bến cảng khác tại khu vực. Trực tiếp Cục trưởng là chỉ huy trưởng và có mặt tại TP Hồ Chí Minh để điều hành các giải pháp.
Đồng thời, Cục HHVN cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận 24/24 các thông tin của các doanh nghiệp đang có hàng tồn bãi tại bến cảng Cát Lái để hỗ trợ các doanh nghiệp rút hàng được nhanh chóng thuận tiện.
Về việc triển khai các giải pháp xử lí hàng tồn tại cảng Cát Lái, Cục HHVN cho biết, đơn vị này đã thống nhất với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tổ chức triển khai thực hiện tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính.
Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất nhằm tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng. Theo đó, Cục này đã giao Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để thống nhất cùng chủ hàng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc sớm nhận hàng.
Triển khai nhóm giải pháp từ ngày 02-04/8/2021, Sở chỉ huy tiền phương đã phối hợp với Tổng ty Tân cảng Sài Gòn tiến hành rà soát được gần 200 doanh nghiệp có lượng hàng nhập tồn tại bến cảng Cát Lái số lượng nhiều, qua đó nắm bắt được kế hoạch sản xuất của từng doanh nghiệp, cũng như dự kiến kế hoạch rút hàng, khó khăn vướng mắc trong việc rút hàng.
Qua đó lựa chọn doanh nghiệp khó khăn nhất tiến hành họp trực tuyến với từng doanh nghiệp (tổng số các doanh nghiệp lựa chọn họp để trao đổi là 15 doanh nghiệp) để có thể nắm rõ hơn những khó khăn của doanh nghiệp và bàn các giải pháp tháo gỡ, đây là giải pháp được thực hiện duy trì hàng ngày.
Theo Cục HHVN, qua nắm bắt được khó khăn của doanh nghiệp, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp chưa thể quay lại sản xuất ngay cả đáp ứng được quy định chống dịch.
Do vậy, Cục HHVN đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có thể nhận hàng, giảm áp lực cho cảng Cát lái.
Nhóm giải pháp thứ hai là tăng năng lực khai thác của bãi cảng. Theo đó, Cục HHVN đã giao Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng cho phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập; Nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi; Điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng; Điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp.
Cảng Cát Lái tồn nhiều container do nhiều doanh nghiệp sản xuất đình trệ |
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đã thông báo đến khách hàng/hãng tàu hạn chế hoặc không tiếp nhận hàng từ các cơ sở cảng Cái Mép, Hiệp Phước về cảng Cát Lái. Tiếp tục làm việc và thuyết phục khách hàng điều chỉnh “cảng đích” (nơi nhận hàng trực tiếp) về cảng TCIT/TCTT và cảng Tân cảng Hiệp Phước đối với container của các tàu cập cảng TCIT/ TCTT.
Lên kế hoạch và thực hiện chuyển container hàng nhập tồn lâu ngày (trên 90 ngày) đi cảng Tân cảng Hiệp Phước để lấy thêm chỗ chứa container hàng nhập tại cảng Cát Lái. Nghiên cứu và sớm ban hành chính sách giảm giá để khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại cảng Cát Lái và cảng Tân cảng Hiệp Phước. Lượng container rỗng còn tồn trong cảng khoảng 6.000 TEUs sẽ được tính toán để chuyển hết ra ngoài kho bãi thuộc Tổng công ty Tân Cảng.
Tổng công ty Tân Cảng đã liên hệ để sẵn sàng chuyển một số tàu sang các bến cảng trong khu vực: Bến cảng Tân Thuận với tần suất 3 chuyến/tuần; Bến cảng Bến Nghé 3 chuyến/tuần; Bến cảng SPCT đang tiến hành đàm phán phương án khai thác. Giảm thời gian lưu tại bãi trước khi xếp lên tàu còn 3 ngày thay vì từ 5 đến 7 ngày như trước đây.
Nhóm giải pháp thứ ba là giảm lượng hàng nhập về cảng. Cụ thể, đã yêu cầu tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Cát Lái (chủ hàng nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình), trừ các trường hợp đặc biệt, căn cứ năng lực tiếp nhận của cảng Cát Lái giao cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động giải quyết.
Làm việc với các chủ hàng, hãng tàu hạn chế số tuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container hàng nhập về cảng đối với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.
Để chủ động trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phương án phân bổ hàng xuất, nhập đảm bảo lưu thông hàng hóa của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Cục HHVN có công văn số 3095/CHHVN-VTDVHH ngày 30/7/2021 chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải khu vực xây dựng phương án ngăn ngừa tắc nghẽn cảng Cát Lái.
Theo Cục HHVN, nhờ những giải pháp trên, đã thu được nhiều hiệu quả. Cụ thể, đến nay hàng tồn tại cảng Cát Lái đã giảm: Ngày 03/08/2021, tồn toàn cảng 108.786 Teus chiếm 87,7 %; ngày 04/08/2021, tồn toàn cảng 106.760 Teus chiếm 85,1 % (giảm được khoảng 2,6 % tính từ 06 giờ 00 ngày 03/8 đến 06 giờ 00 ngày 04/8).
Thời điểm thứ 2, 3, 4 của tuần trước lượt tàu vào cảng Cát Lái là 57 tàu, so với thời điểm của tuần này là 41 tàu, gảm 28,07%; tương tự hàng nhập gảm 6.370 Teus so với cùng thời điểm giảm 32,67%.
Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã ban hành chính sách giảm giá nhiều dịch vụ để khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại Cát Lái, Hiệp Phước, nhằm thúc đẩy nhanh việc rút hàng ra khỏi bãi cảng, cũng như tạo khoảng trống để tiếp nhận các hàng nhập từ tàu biển.