Cục Kiểm lâm hướng dẫn vấn đề thuê rừng phòng hộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT hướng dẫn vấn đề cho thuê rừng phòng hộ (RPH) với tổ chức kinh tế.
Tại Lâm Đồng có 278 DN/291 dự án đầu tư hoạt động có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp.
Tại Lâm Đồng có 278 DN/291 dự án đầu tư hoạt động có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp.

Theo UBND Lâm Đồng, hiện trên địa bàn tỉnh có 278 DN/291 dự án đầu tư hoạt động có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, có 107 DN thực hiện dự án đầu tư liên quan đến diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc đối tượng RPH được cho thuê rừng trước thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực.

Hiện nay, một số DN thực hiện dự án đầu tư đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến pháp luật về đất đai và lâm nghiệp. Cụ thể, dự án đã được thuê đất nhưng chưa được thuê rừng do thuộc đối tượng là RPH (Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan không có quy định cho tổ chức kinh tế thuê RPH); hoặc các trường hợp nhận chuyển nhượng dự án; chuyển nhượng tài sản trên đất để tiếp thục thực hiện dự án.

Ví dụ, Cty TNHH ABODOS đã được thuê đất tại Quyết định 853/QĐ-UBND ngày 16/5/2022 của UBND tỉnh để triển khai dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng nhưng chưa được thuê rừng do thuộc đối tượng là RPH. Lý do Điều 136 Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất RPH thuộc khu vực được kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng. Tuy nhiên, Điều l6 Luật Lâm nghiệp quy định Nhà nước giao RPH không thu tiền sử dụng rừng cho tổ chức kinh tế với RPH xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó.

UBND Lâm Đồng cho rằng giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp chưa đồng nhất trong việc thuê đất, thuê RPH, ví dụ như nêu trên. Trong khi tại khoản 5 Điều 14 Luật Lâm nghiệp quy định khi giao rừng, cho thuê rừng phải “thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất”. Từ thực tiễn trên, UBND Lâm Đồng đã có văn bản báo cáo, đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT hướng dẫn để tháo gỡ.

Cục Kiểm lâm được Bộ NN&PTNT xử lý kiến nghị nêu trên của Lâm Đồng. Theo Cục Kiểm lâm, về thuê rừng với tổ chức kinh tế, theo điểm b khoản 2 Điều 16 Luật Lâm nghiệp thì Nhà nước giao RPH không thu tiền sử dụng rừng cho tổ chức kinh tế với RPH xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó. Mặt khác, Điều 17 Luật Lâm nghiệp quy định: “Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng trả tiền thuê rừng một lần hoặc hằng năm để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí”.

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 56 Luật Lâm nghiệp, chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng; bảo đảm không làm ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng.

Đồng thời, khoản 1 Điều 78 Luật Lâm nghiệp quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước giao RPH, rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, có quyền: “Cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan thẩm quyền phê duyệt”.

Khoản 1 Điều 108 Luật Lâm nghiệp cũng quy định: “Chủ rừng đã được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn được giao, cho thuê; thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.

Như vậy, theo Luật Lâm nghiệp, với tổ chức kinh tế chỉ quy định cho thuê rừng sản xuất, không được thuê RPH; không được quyền chuyển nhượng mà chỉ được cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;... theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Với chủ rừng được cho thuê rừng trước ngày Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành được thực hiện đến hết thời hạn được thuê.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong RPH, Cục Kiểm lâm đề nghị Lâm Đồng xem xét chỉ đạo thực hiện theo hình thức hợp tác, liên kết giữa các DN với chủ rừng theo khoản 4 Điều 56 Luật Lâm nghiệp.

Với kiến nghị quy định đồng bộ, thống nhất về giao rừng, cho thuê rừng với giao đất, cho thuê đất giữa Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai, theo Cục Kiểm lâm, hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Tại Điều 185 (đất RPH) quy định: “Nhà nước giao đất RPH cho các đối tượng để quản lý rừng phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”; không quy định về cho thuê đất RPH. Như vậy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được sửa đổi, bổ sung quy định về đất RPH phù hợp, thống nhất với Luật Lâm nghiệp.

Đọc thêm